Niềm tin của giới kinh doanh toàn cầu tăng mạnh

Theo kết quả khảo sát vừa được công bố tại lễ khai mạc Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ ngày 21/1/2014, chỉ số niềm tin của giới kinh doanh toàn cầu đã tăng mạnh so với năm ngoái.
 
Đây là kết quả thăm dò mới nhất của Công ty nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Pricewaterhouse Coopers International (PwC) được tiến hành với 1.344 cuộc phỏng vấn các giám đốc điều hành công ty (CEO) tại 68 quốc gia. Theo đó, số lượng CEO dự báo kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong vòng 12 tháng tới đạt 44%, tăng vọt từ mức 18% năm ngoái. Đồng thời, chỉ có 7% dự báo kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống, so với 28% trong năm 2013. Trong đó, 39% cho rằng họ rất tự tin về khả năng tăng trưởng doanh thu của công ty họ trong năm 2014. Trong khi vào năm 2009, lòng tin về tăng trưởng doanh thu chỉ đạt mức thấp là 21%.

Các CEO cho biết họ đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng tại các quốc gia bên ngoài nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và nhìn thấy triển vọng tăng trưởng tốt trong vòng 3 - 5 năm tới tại Indonesia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Việt Nam. Hoa Kỳ, Đức và Anh cũng được xếp hạng cao. Trong số các nền kinh tế được các CEO đánh giá có nhiều triển vọng, Mỹ đứng vị trí cao nhất với 26 điểm, tiếp đến là Indonesia với 16 điểm, Đức 13 điểm, Mexico 10 điểm, Anh 9 điểm, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản cùng được 8 điểm, Việt Nam và Australia cùng được 6 điểm.

Xét theo khu vực, các CEO tại Tây Âu là những người tự tin nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn (50%), phù hợp với các dấu hiệu cải thiện kinh tế khu vực này. Tiếp theo là các CEO ở Trung Đông (49%), châu Á - Thái Bình Dương (45%), châu Mỹ La tinh (41%), Bắc Mỹ (41%) và châu Phi (40%). Lãnh đạo doanh nghiệp ở khu vực Trung và Đông Âu cho thấy mức độ tin tưởng thấp nhất với chỉ 26%.

Xét theo lĩnh vực, CEO ngành quản lý khách sạn và nghỉ dưỡng là những người lạc quan nhất về triển vọng kinh tế trong vòng 12 tháng tới (46%), tiếp theo là ngành ngân hàng và thị trường vốn (45%), bán lẻ (44%), dịch vụ tài chính (44%), quản lý tài sản (44%), truyền thông (44%), kỹ thuật và xây dựng (41%). Các CEO ngành luyện kim là kém tin tưởng nhất về triển vọng kinh tế, chỉ đạt 19%.

Xét theo từng nền kinh tế riêng lẻ, tỷ lệ CEO có lòng tin vào sự tăng trưởng doanh thu rất khác nhau. Các CEO có lòng tin mạnh mẽ chiếm tỷ lệ cao nhất tại Nga với 53%, tiếp theo sau là Mexico (51%) và Hàn Quốc (50%). Tỷ lệ tin tưởng tăng khá mạnh tại Hàn Quốc từ mức khiêm tốn 6% năm ngoái. Tiếp theo là các nước Ấn Độ (49%), Trung Quốc (48%), Thụy Sỹ (42%), Brazil (42%), Hoa Kỳ (36%), Đức (33%), Anh (27%), Canada (27%), Nhật Bản (27%), Ý (27%), Pháp (22%) và cuối cùng là Argentina với chỉ 10% CEO rất tin vào tăng trưởng doanh thu trong năm 2014.

Tuy nhiên, các CEO cũng đưa ra một số quan ngại lớn. Tỷ lệ quan ngại về việc có quá nhiều quy định (72%) và thâm hụt tài chính (71%) vẫn còn ở mức khá cao như trước đây. Các quốc gia nơi các CEO đặc biệt quan ngại về việc có quá nhiều quy định gồm Pháp (88%), Australia (85%), Ấn Độ (82%) và Đức (77%). Ở Hoa Kỳ, các CEO quan ngại nhất về thâm hụt tài chính với tỷ lệ 92%. Ngoài ra, các CEO cũng quan ngại nhiều về đà tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế mới nổi (chiếm 65% CEO được khảo sát) cũng như tình trạng tăng trưởng trì trệ tại các thị trường phát triển (với tỷ lệ 71% CEO).

Các quan ngại lớn khác bao gồm sự gia tăng các gánh nặng thuế (70%), sự thiếu hụt nguồn nhân lực chủ chốt có trình độ cao (63%), tỷ giá hối đoái không ổn định (60%) và sự thiếu ổn định của các thị trường vốn (59%). Các chủ đề nóng như nguy cơ an ninh mạng và tốc độ thay đổi công nghệ nhanh đến chóng mặt được gần một nửa số CEO xem là nguy cơ.

Đề cập chi tiết hơn về vấn đề quản lý nhà nước, gần 80% CEO cho biết vấn đề này làm tăng chi phí, trong khi 52% nói rằng họ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc thu hút lao động có tay nghề cao do các vướng mắc về quy định. Đồng thời 40% cho biết các quy định khắt khe của chính phủ ngăn cản họ theo đuổi các cơ hội thị trường mới hoặc triển khai chiến lược đổi mới. Cụ thể, hơn một nửa CEO cho biết quản lý nhà nước giúp cải thiện việc thực hiện dịch vụ và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.