Phong trào Không liên kết lan tỏa tinh thần đoàn kết và hợp tác

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá cao đóng góp quan trọng của Phong trào Không liên kết (NAM) trong gìn giữ hòa bình quốc tế, phát huy tinh thần đoàn kết trong một thế giới nhiều biến động và bất ổn. Việc hàng loạt văn kiện quan trọng được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 19 ở Uganda đã khẳng định vị thế của NAM và quyết tâm thúc đẩy hòa bình, ổn định.

Quang cảnh khai mạc hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết, sáng 19/1. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Hội nghị cấp cao lần thứ 19 của NAM với chủ đề "Ðưa hợp tác đi vào chiều sâu vì thịnh vượng chung toàn cầu" vừa kết thúc tại thủ đô Kampala của Uganda, với nhiều văn kiện được thông qua. Nổi bật trong đó là Tuyên bố Kampala khẳng định lại các nguyên tắc và giá trị của Phong trào và Tuyên bố về Palestine nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine. Thông qua các văn kiện, các nước thành viên nhấn mạnh cam kết đối với chủ nghĩa đa phương; đề cao tuân thủ, thúc đẩy thực hiện luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Các nước cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ngày càng xấu đi ở Palestine, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Dải Gaza. Tại hội nghị lần này, các nước thành viên NAM thống nhất kết nạp Nam Sudan, đánh dấu lần đầu tiên sau 30 năm phong trào kết nạp một thành viên mới.

Khẳng định nhận thấy sự tương đồng rõ ràng giữa các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của NAM, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề cao vai trò lãnh đạo của NAM, dẫn dắt cộng đồng quốc tế hướng tới hợp tác sâu sắc hơn, trong bối cảnh thế giới chứng kiến "vòng xoáy bất ổn và biến động". Theo ông Antonio Guterres, NAM là hình mẫu về tinh thần đoàn kết trong thời kỳ khủng hoảng, trong đó có đại dịch Covid-19.

Việc tổ chức Hội nghị cấp cao lần này tại một quốc gia châu Phi cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của các nước châu Phi trên trường quốc tế. Trước đó, Lục địa Ðen cũng đã có sự tham gia tích cực tại nhiều hội nghị toàn cầu, đóng góp giải quyết các thách thức chung. Mới đây, Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên chính thức trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Việc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên của châu Phi được tổ chức tại Kenya hồi tháng 9/2023 cũng cho thấy tiếng nói mạnh mẽ hơn của châu lục trên trường quốc tế.

Tiếp quản chức Chủ tịch NAM trong bối cảnh quốc tế hiện nay là một phép thử đối với Uganda. Các cuộc khủng hoảng về khí hậu, nhân đạo, kinh tế, tài chính, cạnh tranh địa chính trị và căng thẳng giữa các cường quốc đang đe dọa đến hòa bình, an ninh và sự phát triển của toàn thế giới. Trên thực tế, sự chia rẽ gay gắt giữa các nước thời gian qua đã khiến nhiều tổ chức đa phương đứng trước áp lực lớn, bởi việc đạt được các nghị quyết hiệu quả ngày càng khó khăn. Ðiển hình là liên quan cuộc xung đột Israel-Hamas, vốn gieo rắc nhiều đau thương cho dân thường vô tội, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhiều lần khó tìm được tiếng nói chung.

Việc Hội nghị cấp cao lần thứ 19 của NAM vừa thông qua các văn kiện, trong đó đề cao hòa bình và tăng cường đoàn kết giữa các thành viên, được nhận định là khởi đầu tốt đẹp với Uganda trên cương vị mới. Nhấn mạnh lịch sử đấu tranh kiêu hùng của NAM, quan điểm không liên kết với bất cứ cường quốc hay không tham gia bất kỳ khối, nhóm chính trị, quân sự nào, Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni nêu rõ, các nước thành viên cần cùng nhau bảo vệ những giá trị, nguyên tắc mang tính nền tảng của phong trào, đó là hòa bình, độc lập, phát triển; tôn trọng bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Với 120 quốc gia thành viên, NAM được dư luận tin tưởng tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, thúc đẩy đoàn kết trong một thế giới chia rẽ. Ðây cũng là cơ hội để các nước châu Phi tiếp tục khẳng định tiếng nói và vai trò ngày càng gia tăng trên trường quốc tế trong tình hình mới.

https://nhandan.vn/phong-trao-khong-lien-ket-lan-toa-tinh-than-doan-ket-va-hop-tac-post793096.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.