Lào Cai: Phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới gồm 25 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển du lịch. Với giá trị di sản văn hoá truyền thống mang tính riêng biệt của vùng dân tộc thiểu số đang trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch, tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù, thu hút đông đảo du khách trong những năm gần đây.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở Sa Pa, Bắc Hà và từng bước mở rộng sang Bát Xát, Bảo Yên.

Các dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai tương đối đa dạng. Toàn tỉnh có 457 cơ sở homestay trong đó tập chung chủ yếu tại Sa Pa (355 hộ) huyện Bắc Hà (53 hộ), huyện Bát Xát (30 hộ), huyện Bảo Yên (18 hộ) , thành phố Lào Cai (1 hộ). Các nhà nghỉ lưu trú cơ bản đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lưu trú như: chăn, ga, gối, đệm, buồng ngủ, nhà vệ sinh, bếp nấu ăn… đáp ứng nhu cầu tối thiểu khi khách lưu trú tại gia đình. Khi lựa chọn dịch vụ homestay, khách du lịch có điều kiện ngủ, nghỉ tại những ngôi nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc tại làng bản, như nhà truyền thống người Dao, Mông, nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, nhà trình tường người Hà Nhì,… cùng với đó, du khách có thể tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống văn hóa của người dân địa phương.

Lào Cai tập trung phát triển du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch.

Tỉnh Lào Cai có 3 nhóm cơ sở lưu trú tại gia (homestay) của đồng bào dân tộc Giáy tại Tả Van (Sa Pa), dân tộc Tày tại Tà Chải (Bắc Hà), xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN. Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu du lịch cộng đồng của tỉnh với khách du lịch.

Các di sản văn hóa được xây dựng và khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch mang đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, như Chương trình "Hành trình khám phá cung đường di sản Văn hóa Ruộng bậc thang - Tây Bắc”. Xây dựng và triển khai Chương trình du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Di sản văn hóa Ruộng bậc thang Lào Cai tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát. Chương trình du lịch khám phá nét văn hóa của Chợ phiên vùng cao phục vụ khách du lịch như chợ Văn hóa Bắc Hà, chợ Cán Cấu (Si Ma Cai), chợ Pha Long (Mường Khương), chợ Mường Hum, Y Tý (Bát Xát). Chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng thông qua các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ du khách,...

Các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống được duy trì và phát triển như Lễ Tết nhảy người Dao Đỏ, Lễ hội Gầu tào người Mông, Lễ hội Xuống đồng (lồng tồng) người Tày (Tà Chải, Bắc Hà), Lễ hội Roóng poọc người Giáy (Tả Van, Sa Pa), Lễ Cúng rừng “Gạ ma do”, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì (Y Tý, Bát Xát). Khi lựa chọn loại hình du lịch này, khách du lịch được tìm hiểu những nét văn hoá độc đáo của người dân địa phương, đồng thời được trực tiếp tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày, tham dự các lễ hội truyền thống của người dân. Khách du lịch được trải nghiệm hoạt động gặt lúa, cày ruộng, tưới rau tại Sa Pa, thông qua sản phẩm du lịch “Một ngày làm nông dân Sa Pa; trải nghiệm hoạt động hái mận, bẻ ngô, hái quýt, lê tại Bắc Hà, Mường Khương; Lễ hội Xuống đồng của người Giáy, Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội nhảy lửa của người Dao,… cùng hàng chục nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng của người dân địa phương.

Phát triển sản phẩm nông nghiệp bản địa thành sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch: lợn đen, gà đen, tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù, lạp xườn, thịt trâu sấy, chè,… ngoài ra, Lào Cai cũng phát triển dược liệu thành vùng hàng hoá gắn với phát triển du lịch.

Du lịch cộng đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, trong đó bao gồm cả người dân tộc thiểu số. Lao động đang hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng trên toàn tỉnh đã được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Ngoài ra, các ngành, địa phương đã liên kết đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch về những kiến thức và kỹ năng ngành nghề kinh doanh lưu trú tại nhà dân, nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch theo tiêu chuẩn nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng.

Lực lượng lao động đang hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn.

Du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải tập trung tháo gỡ. Phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác. Do hạn chế về năng lực cung ứng sản phẩm, tài chính, kỹ năng quản trị dịch vụ và khả năng kết nối nên các sản phẩm du lịch chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, môi trường cảnh quan, thiếu các dòng sản phẩm có chất lượng cao, khả năng cạnh tranh thấp. Nhiều sản phẩm du lịch chưa gắn với nhu cầu thị trường, thiếu bản sắc và có sự mô phỏng giữa các địa phương, thiếu sự kết nối thành tour, tuyến hoàn chỉnh, dẫn đến thị trường khách không ổn định, chi tiêu của khách còn thấp.

Để phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có cần xây dựng cơ chế đồng quản lý, phát huy sức dân tại các điểm du lịch cộng đồng. Mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, nghiên cứu, phân tích, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thực hiện cụ thể, huy động sự đóng góp của các chuyên gia chuyên sâu về du lịch nông thôn trong công tác tư vấn, đào tạo nhân lực, xây dựng cảnh quan bản làng và các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Hà Phương

Tin Liên Quan

Gần 400 khách du lịch đến Lào Cai trong chuyến tàu đầu tiên sau mưa lũ

8 giờ 30 phút ngày 24/9, chuyến tàu mang số hiệu SP4 khởi hành từ ga Hà Nội đã đến ga Lào Cai sau chuyến hành trình dài vượt qua cung đường được khắc phục sau trận mưa lũ gây thiệt hại nặng nề vừa qua.

Du lịch Lào Cai chung tay cùng bà con vùng lũ

Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của người Việt Nam, những ngày qua, các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ ở Lào Cai đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Chăm sóc cây xanh đô thị kiến tạo cảnh quan du lịch Sa Pa

Những năm gần đây, việc chăm sóc cây xanh đô thị và cây hoa trang trí đã trở thành một yếu tố kiến tạo nên không gian du lịch của thị xã Sa Pa. Đây là nỗ lực nhằm nâng cao cảnh quan đô thị, chất lượng môi trường thiên nhiên đối với du khách trong và ngoài nước.

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.