Đoàn kết vì sức khỏe toàn cầu

Hơn một nửa dân số toàn cầu chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu. Đưa ra các cam kết chính trị mạnh mẽ hơn và đầu tư tài chính để bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là nhiệm vụ cấp bách mà các nhà lãnh đạo thế giới vừa đề ra tại phiên họp trong khuôn khổ kỳ họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, giữa lúc hàng loạt thách thức y tế cũ, mới đan xen.

Phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 78 của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: UN

Phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 78 của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: UN

Hội nghị cấp cao về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đạt kết quả quan trọng, với một tuyên bố chính trị nêu bật cam kết đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân từ nay đến năm 2030. Dư luận hoan nghênh văn kiện này, song cũng cho rằng, để hiện thực hóa những cam kết cần nhiều hành động mạnh mẽ, quyết đoán, với các quyết định mới về ngân sách và chính sách.

Hiện có ít nhất 4,5 tỷ người không được cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế thiết yếu; hơn 1,3 tỷ người đang sống trong cảnh nghèo khổ và cố gắng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Những con số này phản ánh rõ sự bất bình đẳng về y tế trên toàn cầu.

Tương tự cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hay ứng phó khủng hoảng đa dạng sinh học, trong cuộc đương đầu với các thách thức y tế, chia sẻ trách nhiệm tài chính tiếp tục là vấn đề nan giải. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), thế giới cần thêm 200 tỷ đến 328 tỷ USD mỗi năm để tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản ở các nước thu nhập thấp và trung bình, qua đó giúp các hệ thống y tế đáp ứng được tới 90% các dịch vụ y tế thiết yếu.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới đây cho biết, việc thiếu kinh phí đang cản trở nỗ lực triển khai các chương trình hỗ trợ tại Sudan, trong đó có hỗ trợ về y tế. Cơ quan này chỉ nhận được 1/4 trong số 838 triệu USD mà họ cần phải có để giúp đỡ khoảng 10 triệu trẻ em ở Sudan. Theo UNICEF, việc càng ít kinh phí hỗ trợ đồng nghĩa rằng càng có nhiều trẻ em tử vong.

Đại dịch Covid-19 hoành hành đã làm bộc lộ nhiều điểm bất cập của hệ thống y tế toàn cầu, mà nổi bật là sự tiếp cận thiếu công bằng về dịch vụ y tế. Sau gần 4 năm toàn thế giới căng sức chống dịch, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ cơn đại dịch này, trong đó có bài học về tinh thần chia sẻ thay vì “mạnh ai nấy làm”, chạy đua tích trữ vaccine.

Thế giới từng chứng kiến nghịch lý là nơi thì dư thừa vắc-xin ngừa Covid-19 đến mức phải vứt bỏ vì quá hạn sử dụng, nơi lại không có vaccine để bảo vệ người dân. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nói: “Sự bất công về vắc-xin là một nỗi xấu hổ với toàn nhân loại”. WHO cho biết đang thúc đẩy đàm phán về một thỏa thuận quốc tế nhằm bảo đảm thế giới được trang bị tốt hơn để ứng phó hiệu quả trong trường hợp xảy ra các cuộc khủng hoảng y tế khác trong tương lai. Thỏa thuận này cũng yêu cầu các nước giàu phải gánh vác trách nhiệm ở mức tương xứng với “tiềm lực và tài nguyên” của mình.

Dịch bệnh, các cú sốc về năng lượng, lương thực cùng tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đang làm xói mòn nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét gần đây cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu và xung đột cản trở nỗ lực giải quyết các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong cao nhất thế giới. Cụ thể, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt khiến dịch vụ y tế quá tải, buộc các cộng đồng phải di dời, làm bùng phát, lây lan bệnh truyền nhiễm và làm gián đoạn công tác chữa trị ở nhiều khu vực. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhân sự trong ngành y tế lên đến mức đỉnh điểm ở một số quốc gia như Anh, Đức... cũng là thách thức nghiêm trọng.

Bài học về tinh thần đoàn kết và các cơ chế thúc đẩy tiếp cận công bằng dịch vụ y tế từ dịch Covid-19 vẫn giữ nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước có các khoản đóng góp tài chính mạnh mẽ hơn và hành động tạo ra những thay đổi bước ngoặt để cải thiện hệ thống y tế toàn cầu.

https://nhandan.vn/doan-ket-vi-suc-khoe-toan-cau-post774091.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.