Cơn sốt giá gạo thế giới

Thị trường gạo thế giới nóng lên khi giá loại lương thực quan trọng này chạm mức cao nhất trong 12 năm qua. Cơn sốt giá gạo được cho là không sớm hạ nhiệt, do hiện tượng El Nino ảnh hưởng mùa màng tại các vựa lương thực, trong khi xu hướng dự trữ gia tăng trong bối cảnh lạm phát phi mã và an ninh bất ổn tại nhiều nước.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo vừa công bố, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá gạo trong tháng 7 vừa qua đã tăng 2,8%, lên 129,7 điểm, chạm mốc cao nhất kể từ tháng 9/2011. Ðáng lo ngại là, giá gạo được dự báo còn tiếp tục leo thang. Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, tình hình bất ổn trên thị trường có thể kéo dài đến cuối năm 2023.

Giáo sư danh dự tại Ðại học Harvard (Mỹ) Peter Timmer cho rằng, giá gạo sẽ tiếp tục đà đi lên trong vòng từ 6 đến 12 tháng tới. Song, tốc độ tăng chậm để người tiêu dùng có thời gian thích nghi hay tăng đột biến vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Giá gạo sẽ tiếp tục đà đi lên trong vòng từ 6 đến 12 tháng tới. Song, tốc độ tăng chậm để người tiêu dùng có thời gian thích nghi hay tăng đột biến vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Giáo sư danh dự tại Ðại học Harvard (Mỹ) Peter Timmer

Giới phân tích nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo tăng cao gần đây là do từ cuối tháng 7 vừa qua, Ấn Ðộ tuyên bố cấm xuất khẩu các loại gạo trắng không phải giống basmati. New Delhi khẳng định, lệnh cấm nhằm bình ổn giá và ngăn chặn nguy cơ thiếu lương thực trong nước do khí hậu khắc nghiệt.

Theo các chuyên gia, lệnh cấm mới nhất của Ấn Ðộ gần giống những hạn chế mà nước này áp đặt trong giai đoạn 2007-2008, song tác động đối với nguồn cung và giá cả trên thị trường toàn cầu có thể sâu rộng hơn. So với tỷ lệ 22% cách đây 15 năm, Ấn Ðộ hiện chiếm hơn 40% giá trị thương mại gạo toàn cầu.

Theo thống kê, năm ngoái, Ấn Ðộ đã xuất khẩu 22 triệu tấn gạo sang 140 quốc gia. Vì vậy, bước đi mới của nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã ngay lập tức làm chao đảo thị trường toàn cầu, đẩy giá gạo tăng thêm khoảng 20% so mức trước khi có lệnh cấm của Ấn Ðộ.

Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất tại các vựa lúa hàng đầu thế giới. Năm nay, mùa mưa tại Ấn Ðộ bắt đầu muộn với lượng mưa bất thường và phân bổ không đều đã gây trở ngại cho hoạt động canh tác của nông dân. Ước tính, hiện diện tích ruộng được cấy lúa tại Ấn Ðộ thấp hơn 6% so mức cùng kỳ năm 2022. Tại Indonesia, nông dân ở các vùng sản xuất lúa gạo hàng đầu đang chuyển sang trồng ngô và bắp cải để đề phòng hạn hán.

Nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới là Thái Lan lại đang chứng kiến lượng mưa thấp trong mùa mưa năm nay, trong khi phải chuẩn bị để ứng phó một đợt hạn hán có thể xảy ra vào năm 2024 do ảnh hưởng của El Nino. Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan cho biết, lượng mưa năm nay sẽ thấp hơn mức trung bình của 30 năm qua. Mực nước trong các đập chính giảm khoảng 50% so mức năm 2022. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Thái Lan khuyến khích nông dân giảm diện tích trồng lúa và chuyển đổi sang cây trồng khác, nhằm thích nghi điều kiện mưa ít.

Nhiều chuyên gia nhận định, giá gạo tăng cao kéo theo những hệ quả khôn lường. Khẳng định người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những cú sốc giá lương thực, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế Joseph Glauber nhận định, giá gạo cao ảnh hưởng đến chế độ ăn của hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi, vốn coi gạo là thực phẩm chính.

Trong khi đó, chuyên gia Shirley Mustafa thuộc FAO cho rằng, nhiều người nghèo có thể phải giảm lượng thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày, chuyển sang các sản phẩm thay thế nghèo dinh dưỡng, hoặc giảm chi tiêu cho các nhu yếu phẩm khác.

Tình trạng giá cả đắt đỏ trong khi nguồn cung giảm làm gia tăng nguy cơ xảy ra làn sóng bảo hộ thương mại mới, khi các chính phủ tăng cường kiểm soát xuất khẩu nhằm bảo đảm dự trữ lương thực.

Tình trạng giá cả đắt đỏ trong khi nguồn cung giảm làm gia tăng nguy cơ xảy ra làn sóng bảo hộ thương mại mới, khi các chính phủ tăng cường kiểm soát xuất khẩu nhằm bảo đảm dự trữ lương thực. Trên thực tế, ngay sau khi Ấn Ðộ đưa ra lệnh cấm, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong bốn tháng, trong khi Nga thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa.

Việc giá gạo liên tiếp xô đổ các kỷ lục đang gây áp lực mạnh mẽ lên hệ thống lương thực toàn cầu vốn mất cân bằng nghiêm trọng. Theo Liên hợp quốc, hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực. Con số này có thể còn tăng cao hơn nữa, do hệ quả của tình trạng gián đoạn nguồn cung và cơn sốt giá gạo.

https://nhandan.vn/con-sot-gia-gao-the-gioi-post767142.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.