Thanh niên các dân tộc thiểu số xung kích khởi nghiệp

Khởi nghiệp đang là hướng tiếp cận mới để giảm nghèo và phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với tư duy đổi mới, nghị lực của tuổi trẻ, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã nỗ lực vượt khó, mạnh dạn khởi nghiệp trên quê hương. Hiện nay, nhiều mô hình khởi nghiệp làm giàu thành công đã và đang truyền cảm hứng mạnh mẽ đến thế hệ các thanh niên vùng cao.

Phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo đang được triển khai và lan tỏa sâu rộng, đặc biệt là tại địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa tỉnh. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên chủ động, sáng tạo trong khởi nghiệp, xây đựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Tại thị xã Sa Pa, với mục tiêu "Biến di sản thành tài sản" - Sa Pa đang tập trung đầu tư, phát triển du lịch tại xã Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy; xã Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao; xã Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông; xã Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày; xã Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Xa Phó.

Chị Lý Thị So, thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa giới thiệu với du khách về văn hóa nơi đây.

Làm homestay từ nếp nhà truyền thống người Mông, ứng dụng nền tảng công nghệ để giao dịch với khách hàng. Đây là cách mà đôi vợ chồng trẻ người Mông, chị Lý Thị So - thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa phát triển du lịch trong 10 năm qua. Nhờ giao tiếp tốt tiếng Anh đã giúp chị So giới thiệu, quảng bá và hướng dẫn du khách đi trải nghiệm tại địa phương. Chia sẻ với chúng tôi, chị So nói: “Ngoài việc cho thuê homestay, mình có tổ chức các tua du lịch như leo núi, thăm làng bản hoặc là khám phá văn hóa của đồng bào người Mông, người Giáy, Tày……Trải nghiệm thêu thùa, vẽ sáp ong của người dân nơi đây cho du khách nhằm giới thiệu nét văn hóa của đồng bào mình, cũng là tăng thêm sản phẩm du lịch cho du khách.

Khi được chúng tôi hỏi, anh Muhammed - du khách Vương quốc Anh cho biết: “Tôi rất thích không khí trong lành ở đây, đặc biệt là khi đi qua các bản làng được hòa mình vào không gian sinh hoạt của đồng bào nơi đây. Đây là một trong những địa điểm lý tưởng của tôi khi đến Việt Nam”.

Khi xã Mường Hoa được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào người Mông, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đã nỗ lực khơi dậy tiềm năng, lợi thế trở thành các sản phẩm du lịch đặc hữu. Hiện trên địa bàn xã Mường Hoa đang có hơn 40 homestay do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Kinh tế phát triển, đường giao thông nông thôn trên địa thị xã Sa Pa nói riêng, các địa phương trong tỉnh nói chung được đầu tư đồng bộ, tạo thuận lợi cho du lịch, kinh tế nông nghiệp phát triển.

Đoàn viên Lò Ông Phẩy, thôn San Lùng, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát thành công với mô hình chăn nuôi lợn đen.

Với đam mê chăn nuôi lợn đen bản địa, đặc biệt là lợn rừng, thay vì đi làm ăn xa như trước đây, anh Lò Ông Phẩy - thôn San Lùng, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát đã quyết định trở về địa phương xây dựng trại chăn nuôi. Quy hoạch khu chuồng nuôi cách xa nhà ở, chịu khó tìm tòi học hỏi, làm tốt công tác phòng bệnh cho đàn lợn hơn 70 con, vì vậy đàn lợn phát triển tốt, có giá bán trung bình từ 100 – 150 nghìn đồng/kg. Tuổi trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, ngoài chăn nuôi lợn đen, anh Phẩy còn chăn nuôi ngan, gà, nấu rượu đặc sản San Lùng….với mức thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phẩy cho biết: “Em từng đi làm nhiều nghề rồi, nhưng vẫn thích về bản để làm cho tự do, tự làm chủ, với lại mình cũng có đam mê về chăn nuôi nên quyết định về chăn nuôi. Ở đây đất rộng mà nhà cũng nấu rượu San Lùng nên tận dụng các lợi thế đó để chăn nuôi”.

Mô hình Farmstay trải nghiệm vườn lê, mận của đoàn viên Giàng Seo Dế, thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai.

Hay như mô hình Farmstay trải nghiệm vườn lê, mận của anh Giàng Seo Dế - thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai cũng là một điển hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch. Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi trong phát triển cây ăn quả ôn đới, năm 2017, anh Giàng Seo Dế đã chuyển hơn 2ha đất nông nghiệp kém hiệu quả của gia đình sang trồng cây Lê VH6 và mận Tả Van. Chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nên vườn cây ăn quả của gia đình anh cho quả nhiều, mẫu mã đẹp, bán được giá. Sau 6 năm vun trồng, chăm sóc, vườn cây ăn quả của gia đình anh Dế đã phát triển lên gần 1.000 gốc, trong đó có hơn một nửa đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu về trên dưới 100 triệu đồng. Mô hình Farmstay trải nghiệm vườn lê, mận của anh Dế đã bước đầu thành công. Bên cạnh việc mở các tuyến đường bê tông vào vườn lê, mận, làm nhà trình tường truyền thống ngay giữa vườn, anh và những bạn trẻ trong thôn cũng tích cực giới thiệu, quảng bá những khúc hát dân ca, điệu khèn Mông của đồng bào mình đến với du khách khi nghỉ chân tại vườn.

Không chỉ các mô hình tại Sa Pa, Bát Xát, Si Ma Cai, các huyện khác như Bắc Hà, Mường Khương cũng tích cực xây dựng các mô hình thanh niên thi đua khởi nghiệp đạt hiệu quả cao như: Mô hình nuôi dê của gia đình chị Tải Xín Phán, người dân tộc Thu Lao, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương; mô hình nuôi cá nước lạnh của đoàn viên Tẩn Láo Lở, ở thôn Kin Chu Phìn 1, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát; mô hình Câu lạc bộ văn nghệ Hồng Mi của anh Giàng A Hải ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - văn hóa tại địa phương.

Với 25 ngành, nhóm dân tộc cùng chung sống, điều kiện kinh tế, giao thông tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm….vì vậy trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đoàn viên, thanh niên các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Tuy vậy với tinh thần tuổi trẻ, ý trí vượt lên chính mình, cùng sự đồng hành của Đoàn thanh niên các cấp, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã đem lại hiệu quả tích cực, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều đoàn viên, thanh niên học tập, noi theo….

Trong thời gian qua, phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong mỗi đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, khai thác hiệu quả lợi thế của từng địa phương để phát triển kinh tế, đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đa dạng, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, nâng cao thu nhập cho đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số. Hiện trên địa bàn tỉnh có 01 Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp, 09 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện, 85 mô hình phát triển kinh tế cấp xã; có 581 tổ hợp tác thanh niên, 16 hợp tác xã thanh niên, xây dựng được 439 mô hình thanh niên phát triển kinh tế có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên. Qua các mô hình đoàn viên, thanh niên đã được đào tạo miễn phí nhiều kỹ năng về lập dự án, quản lý tài chính, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng gọi vốn.....gắn với công tác chuyển đổi số trong phát triển kinh tế.

Bằng sự sáng tạo và khát khao khởi nghiệp, những thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những bước đi vững chắc hơn; hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, thôn bản, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm tại địa phương, trở thành lực lượng nòng cốt, tiên phong, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Lào Cai ngày một giàu đẹp.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi chủ trì hội nghị giao ban 9 tháng với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và Báo Lào Cai diễn ra chiều 26/9.

Giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam)

Chiều 26/9, tại tỉnh Vân Nam đã diễn ra chương trình giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Lào Cai tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Lời tri ân” vào ngày 28/9

Để cảm ơn tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang và người dân cả nước dành cho tỉnh Lào Cai trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ...

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các...

[Ảnh] Những hình ảnh xúc động trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nậm Lúc

Vào thời điểm các thôn, xóm bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương hiệp đồng “thần tốc” vượt sông, băng rừng, vượt núi kịp thời tham gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng Báo Lào Cai nhìn lại những hình ảnh xúc động trong công tác...

Tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 25/9, Đoàn công tác do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì đã xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, bắt đầu chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.