Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai

Tác động của cuộc sống hiện đại đã làm một số phong tục, tập quán, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số mai một. Trước thực trạng này, nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói một trong những thế mạnh của tỉnh Lào Cai là có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, là sự hội tụ của văn hóa truyền thống của 25 dân tộc anh em. Do đó, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc luôn được tỉnh quan tâm và xác định các giá trị văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Lễ rước kiệu tại Lễ hội đền Bảo Hà.

Tỉnh Lào Cai đã thực hiện trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa như: Đền Trung Đô xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà), Đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên), Đền Mẫu Sơn (huyện Sa Pa), Đền Chiềng Ken (huyện Văn Bàn), di tích chiến thắng Đồn Phố Lu (huyện Bảo Thắng)...

Hàng trăm hiện vật đã được sưu tầm, gồm các di vật, hiện vật về lịch sử, trang phục, đồ trang sức truyền thống, công cụ sản xuất, nhạc cụ và công cụ trong hoạt động tín ngưỡng của các người Bố Y, Pa Dí, Xá Phó, La Chí, Hà Nhì... phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ và trưng bày, quảng bá về lịch sử, văn hóa, tự nhiên tại Bảo tàng tỉnh.

Hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tại 500 làng, bản góp phần nhận diện các di sản văn hóa có giá trị để phục vụ cho việc lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới. Năm 2022, đã hoàn thành việc lập hồ sơ của 03 di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (4 hồ sơ đang hoàn thiện để trình vào cuối năm); 02 hồ sơ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Nghi lễ và trò chơi kéo co” và Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái”.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các nghi lễ truyền thống như: Nghi lễ Quét làng đầu năm của người Xá Phó, Lễ Quét làng dân tộc Bố Y, Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Tày, Tết Cơm mới dân tộc Giáy, Lễ Cầu thọ “Ta pao phù” của người Bố Y, Lễ hội cúng rừng của người Pa Dí (huyện Mường Khương)...

Sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc có nguy cơ mai một cao như: Người Mông đen tỉnh Lào Cai; người Thu Lao, người Nùng Dín huyện Mường Khương; người Mông xanh (huyện Văn Bàn); Sưu tầm di sản phi vật thể người Dao họ tỉnh Lào Cai; Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa của người Xá Phó huyện Sa Pa, nghệ thuật hát đồng dao của dân tộc Bố Y huyện Mường Khương, Hội Hát qua làng của người Dao tuyển huyện Bảo Thắng, nghệ thuật múa Khèn dân tộc Mông tỉnh Lào Cai.

Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 39 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Xá Phó, Hà Nhì, Bố Y, Pa Dí, Thu Lao...  Trong đó, di sản “Kéo co nghi lễ dân tộc Tày, Giáy” nằm trong hồ sơ liên quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” (gồm 4 nước: Việt Nam, Campuchia, Philippines và Hàn Quốc) và hồ sơ “Nghi lễ Then dân tộc Tày” nằm trong Hồ sơ “Thực hành nghi lễ then Tày - Nùng - Thái” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trò chơi dân gian tại các lễ hội thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham dự.

Công tác quản lý, tổ chức và phục dựng lễ hội được triển khai theo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo an toàn, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với thuần phong mĩ tục, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Hàng năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai có gần 30 lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tiêu biểu như Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Giáy, Tày, Nùng, Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, huyện Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa và huyện Si Ma Cai; Lễ hội Pút Tồng (tết nhảy) dân tộc Dao; Hội Hát giao duyên dân tộc Dao, hội Xòe dân tộc Tày - huyện Sa Pa...

Một số lễ hội còn giữ được nét nguyên sơ, độc đáo của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự, khám phá nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, như lễ hội Nhảy lửa của người Dao đỏ huyện Bắc Hà, lễ hội Gầu Tào của người Mông ở huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai...

Giai đoạn 2021 – 2025, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai khoá XVI ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/8/2021 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”. Theo đó thời gian tới, tỉnh Lào Cai xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung tạo lập môi trường, nếp sống văn hóa văn minh, hiện đại, giàu bản sắc hướng đến phát triển toàn diện con người Lào Cai. Đẩy mạnh các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát huy giá trị tốt đẹp trong văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương. Chú trọng triển khai các chương trình bảo tồn, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống; các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản đại diện của nhân loại…

 

Hà Phương

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.