Người thắp lửa di sản khắp nôm

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Quản, người Tày thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn) từ lâu là người thầy truyền lửa, phổ biến di sản văn hóa phi vật thể khắp nôm trong cộng đồng. Gần 40 năm góp phần trao truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể người Tày trên địa bàn, bà đã dìu dắt, hướng dẫn hơn 200 học viên thông thạo các làn điệu khắp nôm và các bài múa dân gian.
Bà Hoàng Thị Quản và các thành viên Câu lạc bộ Khắp nôm Khánh Yên Trung trong buổi luyện tập.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Tày, bà được truyền thụ mạch nguồn văn hóa từ mẹ, bà qua lời ru, câu hát ngày thường và ngày hội. Lớn lên, bà rất thích hát nôm, bởi ca từ khắp nôm rất gần gũi với đời thường, dễ thuộc, dễ nhớ. Từ năm 1980, với cương vị là Phó Bí thư Chi đoàn thôn, bà đã tập hợp đoàn viên, thanh niên thành lập đội văn nghệ của thôn.

Năm 1992, là Chi hội trưởng phụ nữ thôn, bà đã vận động chị em thành lập đội văn nghệ do chính bà trực tiếp hướng dẫn. Mỗi năm, đội văn nghệ duy trì từ 10 đến 15 thành viên. Lúc đầu, bà dạy chị em các bài nôm cổ và múa then, thời gian luyện tập chủ yếu vào buổi tối. Việc tập luyện rất khó khăn vì bận con nhỏ, việc nhà nhưng với lòng nhiệt tình, các chị em say mê luyện tập đến khuya mới nghỉ. Sau thời gian ngắn, đội đã tập luyện được 10 tiết mục để biểu diễn cho bà con xem vào dịp Quốc khánh 2/9. Năm 2004, làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Yên Trung, bà tiếp tục vận động chị em, chủ động phối hợp với các đoàn thể thành lập đội văn nghệ của xã, thường xuyên biểu diễn phục vụ bà con. Năm 2012, giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung, thực hiện chủ trương của huyện, bà Quản đã chuyển đội văn nghệ, thành lập câu lạc bộ khắp nôm. Lúc đầu chỉ có 5 - 6 chị em, sau tăng lên 12 thành viên, trong đó có 1 nam giới, chủ yếu là người cao tuổi đã có vốn về khắp nôm cổ. Câu lạc bộ thành lập, mọi người tích cực tập luyện và sẵn sàng tham gia phục vụ các hoạt động cộng đồng.

Dưới sự hướng dẫn của bà Quản, các đội đã hoạt động thành nền nếp, tích cực giao lưu giữa các bản trong xã và đặc biệt câu lạc bộ còn được mời tham gia biểu diễn trong các chương trình của huyện. Đội văn nghệ đã chủ động đăng ký tham gia với các xã bạn như Khánh Yên Thượng, Chiềng Ken, Võ Lao… khi những xã này tổ chức các lễ hội.

Bà đã vận động chị em kết nối với trường tiểu học và THCS của xã để dạy học sinh các làn điệu khắp nôm ngoài giờ học; tổ chức ngay tại bản cho thiếu niên, thanh niên vào buổi tối. Năm 2015, câu lạc bộ đi tham quan, học tập tại thị xã Sa Pa, được mời giao lưu 3 tiết mục múa biểu diễn tại Nhà văn hóa dân tộc khu Hàm Rồng, được du khách cổ vũ nhiệt tình. Tháng 5/2017, câu lạc bộ tham gia biểu diễn giao lưu tại chợ đêm Bắc Hà 2 tiết mục và tạo được ấn tượng cho du khách. Trong quá trình truyền dạy, bà đã hướng dẫn nhiều thế hệ học sinh biết hát làn điệu nôm Tày, múa Then, sáng tác và chép được nhiều bài hát cổ để lưu truyền lại cho các thế hệ sau.

Truyền dạy khắp nôm cho học sinh.

Trong dịp hè, học sinh đến tham gia câu lạc bộ và tập luyện một số tiết mục phục vụ lễ khai giảng năm học mới. Bà được mời trực tiếp truyền dạy hát nôm tại Trường THCS xã Khánh Yên Trung trong các tiết học ngoài giờ với 6 buổi học, đã truyền dạy hơn 20 bài khắp nôm với hơn 200 học sinh tham gia. Năm 2019, bà được Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam mời làm giảng viên truyền dạy 30 bài khắp nôm, 7 bài múa truyền thống của dân tộc cho hơn 30 học viên…

Trong suốt thời gian sưu tầm, truyền dạy và phổ biến vốn văn hóa, văn nghệ dân gian, bà đã dành thời gian sưu tầm làn điệu khắp nôm và sáng tác, ghi chép, biên soạn, dịch hơn 100 bài; sưu tầm và truyền dạy 14 điệu múa dân gian: Múa Then, múa còn, múa xúc tép, múa kiếm, múa bát…

Ghi nhận những thành tích và cống hiến của bà trong suốt chặng đường phát huy giá trị di sản trong cộng đồng, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Đặc biệt, vừa qua bà được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú, phần thưởng vinh dự và cao quý nhất dành cho cá nhân có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

https://baolaocai.vn/bai-viet/362221-nguoi-thap-lua-di-san-khap-nom

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.