Nghi lễ rước hồn nước của người Dao đỏ

Mỗi mùa thu đến, những thửa ruộng bậc thang ngả sắc vàng, bông lúa uốn câu, chắc hạt, người Dao đỏ ở xã Bản Xèo (huyện Bát Xát) lại khẩn trương thu hoạch và làm lễ rước hồn lúa về nhà.

Đây là nghi lễ thiêng, mang tính chất gia đình và thể hiện sự trân quý hồn lúa, đề cao vị thần nông đã giúp cho con người có được mùa màng no ấm. Đó là tín ngưỡng nông nghiệp cổ truyền của cư dân trồng lúa nước lâu đời trên những cánh đồng bậc thang nơi vùng cao, biên giới.

Ngày đi gặt lúa và rước hồn lúa về nhà làm lễ cơm mới của người Dao đỏ được xem chọn ngày tốt đối với từng gia đình và dòng họ. Trong sách cổ của người Dao ghi chép về cách chọn ngày tốt làm lễ cơm mới họ Chảo, họ Tẩn thường chọn ngày Thìn hoặc ngày Tỵ âm lịch, đó là ngày tốt, may mắn. Trên đường đi gặt lúa, có tục hèm, đó là bà chủ nhà gặp ai chào cũng không trả lời, im lặng đi thẳng ra ruộng lúa. Đến nơi, bà hát ngâm đôi câu thơ cổ gọi hồn lúa về với gia đình, cảm ơn thần đã bảo vệ cây lúa trổ bông tươi tốt, nay là ngày tốt xin rước hồn lúa về nhà.

Ngâm hát xin rước hồn lúa.

Sau đó họ dùng nhíp ngắt từng bông lúa, khóm lúa bông to, mẩy nhất, bó gọn và gánh về nhà. Hái cum lúa dùng cho nghi lễ phải hái cả bông và lá lúa, có như vậy hồn lúa mới hài lòng. Trên đường gánh cum lúa về nhà, họ hái nắm bông hoa ở ven đường cài lên cum lúa như một hình thức cầu ước sang năm mùa vụ đơm hoa kết trái, cho quả ngọt.

Rước hồn lúa về nhà.

Về đến nhà, vợ chồng chủ nhà thực hiện nghi thức đón rước hồn lúa bằng cách chuẩn bị một bát rượu để cảm ơn người đi rước hồn lúa cùng. Cum lúa từ lúc gặt xong gánh trên vai cho đến khi được treo lên vách, chỗ gian thờ - không gian thiêng của gia đình - thì tuyệt đối không được đặt xuống đất. Nghi thức rước hồn lúa qua cửa vào nhà được thầy cúng đứng ra làm lý, hát đôi câu hát để mời vị thần lúa (um cú hùng), hồn lúa vào trong nhà.

Người Dao đỏ cho rằng, vị thần lúa cao hơn tổ tiên trong gia đình, do đó phải nhờ thầy hát và nói mấy câu lý theo đúng phong tục để mời được vị thần giữ hồn lúa vào nhà. Khi trao hồn lúa về với chủ nhà, vợ chồng gia chủ đón lấy, bà chủ thực hiện nghi thức treo cum lúa thiêng lên gian thờ, ông chủ nhà cảm ơn người đi hái lúa bằng bát rượu.

Nghi thức tiếp nhận hồn lúa.

Một vài bông lúa được đặt vào nồi cơm để nấu chín, dâng lên mâm lễ cúng tổ tiên, các vị thần trong tín ngưỡng nông nghiệp của người Dao đỏ: Thần trời, thần đất, thần cây, thần lúa... Một vài bông lúa thì được treo cùng với giấy bản để làm nghi lễ cúng các vị thần, cúng tổ tiên.

Chủ nhà treo cum lúa thiêng.

Nghi lễ rước hồn lúa là nghi lễ thiêng được thực hiện trong những thời khắc thiêng: Giờ tốt, tháng lành, ngày tốt đối với gia đình. Người thực hiện cũng phải tuân thủ những lý lẽ thiêng, luôn cầu cho cây lúa, các loại cây nông nghiệp cho bông chắc, mẩy, to, dài. Đặc biệt, trong nghi lễ rước hồn lúa, người Dao đỏ có những bài hát, bài cúng mang tính chất thiêng được thể hiện bằng các cặp câu thơ 7 chữ, vừa ngâm vừa hát rất ý nghĩa và sâu sắc. Đó là nghi lễ nông nghiệp đặc sắc và giàu tính văn hóa tộc người trong cộng đồng người Dao đỏ ở Lào Cai.

https://baolaocai.vn/bai-viet/360940-nghi-le-ruoc-hon-nuoc-cua-nguoi-dao-do

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.