Tuyệt đối không chủ quan trước dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine

Sáng 6/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp truyền trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta không bao giờ quên những ngày tháng vất vả, mất mát, hy sinh vì đại dịch Covid-19. Lúc đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm về phòng, chống dịch, chưa có vaccine, chưa có thuốc chữa Covid-19, phải dùng các biện pháp hành chính, dẫn đến tê liệt mọi hoạt động xã hội. Vì vậy, phải tốn nhiều công sức, nguồn lực để phòng, chống dịch bằng biện pháp hành chính, lao đao vì biện pháp hành chính. Để từ đó, phải nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch.

Theo Thủ tướng, khi kiểm soát được dịch bệnh thì bắt đầu xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là chống dịch, mà lại xuất phát từ các cơ quan phòng, chống dịch, có tâm lý say sưa với thắng lợi ban đầu. Bài học lịch sử cho thấy không được chủ quan.

Ngay khi đỉnh dịch ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan liên quan. Chúng ta đã có phong trào tiêm vaccine tốt mới kiểm soát được tình hình. Năm ngoái nhờ có Nghị quyết 128/NQ-CP thì mới cải thiện tình hình, sau đó đạt độ bao phủ vaccine lớn mới kiểm soát được dịch bệnh, nhờ đó nhân dân mới được hưởng cái Tết an toàn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải nhất quán trong tuyên truyền phòng, chống dịch, tiêm vaccine. Những bài học vẫn đang còn hiện hữu trước mắt. Theo Thủ tướng, có tình trạng lơ là cả trong công tác tuyên truyền, nhận thức, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch. Chúng ta đã đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở với kinh nghiệm xương máu. Nếu không có độ bao phủ vaccine tốt thì Việt Nam không thể tổ chức thành công SEA Games 31.

Thủ tướng đánh giá, nhiều nơi đã làm tốt công tác tiêm chủng, nhưng nhiều nơi cũng làm chưa tốt; đồng thời nêu rõ, đến nay là tháng 8 mà nhiều địa phương vẫn chưa đạt kế hoạch tiêm chủng, kể cả đối với mũi tiêm thứ 2.

Thủ tướng nhấn mạnh cần quan tâm tiêm chủng cho các đối tượng tuyến đầu, người già, người có bệnh nền, những người làm dịch vụ, giao hàng…; cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, phải đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc.

Theo Thủ tướng, Bộ Y tế phải chỉ đạo các Sở Y tế; cấp ủy lãnh đạo, chính quyền phải tổ chức thực hiện; người dân phải vào cuộc. Bộ Y tế phải chủ động trong vấn đề này, quan trọng nhất là có đủ vaccine, không sợ thừa mà chỉ sợ thiếu; phải huy động mọi nguồn lực có thể. Công thức phòng, chống dịch đã có, trong đó vaccine là vũ khí quan trọng nhất; thuốc chữa bệnh Covid-19 đã sản xuất được; công nghệ phải tiếp tục đẩy mạnh; tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Công thức chống dịch của chúng ta đơn giản, dễ nhớ. Các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam. Vaccine đã có Nhà nước lo, do đó, dứt khoát là phải lo cho dân, tiêm vaccine phòng Covid-19 là miễn phí.

Thủ tướng nêu rõ, nếu không quyết liệt làm thì sẽ bị động, lúng túng. Điều này sẽ là không chấp nhận được khi chúng ta đã có kinh nghiệm.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận rõ tình hình thế giới. Trong điều kiện xuất hiện các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ…, không thể để “dịch chồng dịch”. Bởi quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, độ mở nền kinh tế cao, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn có hạn, một biến động nhỏ bên ngoài có thể tác động lớn trong nước.

Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải cùng nhau gánh vác, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải lo toan, có trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch; phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ban Chỉ đạo cũng cần hoạt động tích cực hơn nữa, phải bàn các vấn đề ngoài việc tăng cường phòng, chống dịch; phải lo tăng cường y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng phụ cấp cho nhân viên y tế; cơ cấu lại nhân lực; tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch. Bộ Y tế phải tham mưu Chính phủ vấn đề này.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh thực hiện công tác phòng, chống dịch có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương lực lượng Quân đội luôn nêu cao phẩm chất anh hùng, vì nhân dân phục vụ, không quản ngại gian khó, luôn đi đầu trong phòng, chống dịch. Thủ tướng cũng yêu cầu phải thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân; phải suy nghĩ cách tuyên truyền bảo đảm hiệu quả hơn nữa.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, gian khổ, mất mát, hi sinh của các lực lượng tuyến đầu, các địa phương, của người dân, doanh nghiệp trong hơn 2 năm phòng, chống dịch vừa qua. Đến nay, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải tiếp tục khắc phục hậu quả của đại dịch tác động tới sức khỏe, tâm lý, đời sống người dân, nền kinh tế… Dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, khó dự báo, trong khi khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian; mặt khác, khi dịch bệnh vừa được kiểm soát thì tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lại xuất hiện.

Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, nhiều nước phát triển, có nền y tế hiện đại cũng đang bùng phát dịch trở lại. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh, không say sưa, ngủ quên với những kết quả đã đạt được. Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức thực hiện nghiêm túc hơn, hiệu quả hơn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch trên cơ sở nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực hơn nữa và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng về các phần việc được phân công.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại, cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân; trong tháng 8, phải hoàn thành việc tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định và mũi thứ 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12; bảo đảm đủ vaccine, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng khẳng định quan điểm chỉ đạo là: kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội; đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vaccine và phòng, chống dịch; tiêm chủng vaccine phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của dịch Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, đáp ứng với mọi tình huống. Làm tốt hơn nữa, đồng bộ, quyết liệt, bài bản, hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch; nêu rõ những kết quả đã đạt được, biểu dương, lan tỏa các điển hình người tốt việc tốt, những tấm gương hy sinh, cống hiến vì tính mạng, sức khỏe người dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ vững bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức…

Thủ tướng chỉ đạo phải đẩy mạnh, thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine, bởi vaccine vẫn là vũ khí quan trọng nhất, quyết định nhất trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ, phù hợp, kịp thời vaccine phòng Covid-19, không để tình trạng thiếu vaccine; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các địa phương; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Thủ tướng nêu rõ, phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiêm chủng; biểu dương, khen thưởng những người làm tốt, phê bình những người làm chưa tốt, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm. Thủ tướng lưu ý Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần đặc biệt chú ý việc thúc đẩy tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, do số học sinh đông, không gian học tập tại trường hạn chế hơn các địa phương khác.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch chịu trách nhiệm chỉ đạo tiêm chủng vacccine phòng Covid-19 đạt chỉ tiêu đề ra; bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất cụ thể để xử lý vấn đề thuốc, vật tư, nhân lực y tế, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tích cực, chủ động hơn nữa để khẩn trương triển khai, xử lý các vấn đề cấp bách, bức xúc, với các vấn đề vượt thẩm quyền thì kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Tài chính phản ứng chính sách nhanh, bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời hướng dẫn thủ tục đấu thầu liên quan tới mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 82.121 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 728.488 lượt người sử dụng lao động và trên 49,94 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tích cực triển khai, đôn đốc các địa phương làm tốt hơn một số chính sách hỗ trợ còn hạn chế trong thực hiện.

Thủ tướng cũng nêu rõ, phòng, chống dịch để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo sinh kế, công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tiếp tục vận động các nguồn lực cho phòng chống dịch theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch; luôn quan tâm bảo đảm an toàn, an ninh, an dân, ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, xuyên tạc, thông tin sai sự thật để chống phá Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hợp pháp và đóng góp phù hợp với cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải cùng nhau gánh vác, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải lo toan, trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, xác định trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào, dứt điểm việc đó.

https://nhandan.vn/tuyet-doi-khong-chu-quan-truoc-dich-covid-19-day-nhanh-tien-do-tiem-chung-vaccine-post709120.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...