15 năm Việt Nam trở thành thành viên APEC

Ngày 15/11, Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ XXI” khai mạc tại Hà Nội nhân kỷ niệm 15 năm Việt Nam trở thành thành viên của APEC (1998-2013).
 
 
Caption

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các nước

dự Hội nghị APEC 2013 tại Indonesia
 
Khoảng 120 đại biểu trong và ngoài nước đến từ các nước thành viên APEC, các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan như SOM APEC, ABAC, UN, UNDP tham dự.
 
Hội nghị lần này thảo luận, đánh giá thực chất vai trò, triển vọng của APEC, cũng như xu thế liên kết kinh tế khu vực; rà soát tổng thể sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong 15 năm qua; đề xuất chính sách nâng cao hiệu quả tham gia, phát huy vai trò của Việt Nam trong APEC và các tầng nấc liên kết kinh tế khu vực; đồng thời hướng mục tiêu nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương Việt Nam về xu thế liên kết kinh tế khu vực, xây dựng định hướng chuẩn bị cho Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017.
 
Cách đây 15 năm, việc tham gia APEC năm 1998 đãđánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
 
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC. Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, với việc đăng cai tổ chức HNCC APEC 14, HNBT Ngoại giao – Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện, đưa ra triển vọng dài hạn về hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách tổng thể, tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC.
 
Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với hơn 70 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố….); và đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC (Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 – 2010, Chủ tịch Nhóm công tác đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012 – 2013).
 
Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia – Pacific Economic Cooperation - gọi tắt là APEC) được thành lập vào tháng 11/1989 tại thủ đô Australia. Từ 12 thành viên sáng lập, sau 4 lần mở rộng, đến nay APEC có 21 thành viên, đại diện khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 54% GDP và 44% thương mại toàn cầu. Từ năm 1998 APEC chủ trương tạm ngừng kết nạp thành viên mới. APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. 
 
Năm 2013, ta tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Indonesia và đóng góp tích cực thúc đẩy hợp tác APEC. Ta đã đề xuất và triển khai thành công sáng kiến đầu tiên của APEC về tìm kiếm và cứu hộ trên biển, đồng thời tổ chức một số hoạt động khác như Cuộc họp Nhóm chuyên gia APEC lần thứ 40 về công nghệ năng lượng mới và có thể tái tạo (Hà Nội, 4/2013), Hội thảo về hòa mạng thủy điện và điện tái tạo (Hà Nội, 4/2013), Cuộc họp Nhóm công tác về giao thông vận tải lần thứ 37 (Hồ Chí Minh, 4/2013), Hội thảo APEC về duy trì sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh thiên tai lớn (Hà Nội, 5/2013).
 
Việt Nam đã quyết định và được các thành viên APEC hoàn toàn ủng hộ việc lần thứ hai đăng cai Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2017. Quyết định này nhằm tiếp tục triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á – Thái Bình Dương.
 
Gia nhập APEC là cơ sở quan trọng cho Việt Nam trong quá trình hội nhập 25 năm qua, như ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2000, ban hành một loạt luật cải cách quan trọng (Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư) để xóa bỏ dần sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007 và mới đây là những nỗ lực đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
 
"APEC đã trở thành khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế. Đây không chỉ là một diễn đàn có vai trò quan trọng với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có hầu hết những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định.
 
Thông qua APEC, Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh, tiếp cận được nhiều hơn với các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia, tăng cường năng lực hợp tác, tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài.
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cũng cần vượt qua những thách thức khi là thành viên của chuỗi kinh tế toàn cầu.
 
Liên kết kinh tế khu vực nói chung và trong khuôn khổ APEC nói riêng cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn mới, với những nội hàm sâu rộng, mức độ cam kết cao hơn, mở rộng sang nhiều vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới.
 
Điều này đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với quốc gia có trình độ phát triển còn thấp như nước ta, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và chủ động đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, nhất là về thể chế và năng lực, tăng cường đồng thuận xã hội cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và địa phương để hội nhập quốc tế hiệu quả và phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...