Phát triển du lịch xanh

Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, Vườn Quốc gia Hoàng Liên ngày càng quan tâm, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh và bền vững để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng.

Thành lập năm 2002, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được Quỹ môi trường toàn cầu xếp loại A (cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam) và được Tổ chức Bảo tồn đa dạng sinh học ASEAN công nhận là Vườn Di sản ASEAN vào năm 2003.

Với độ cao từ 1.000 - 3.000 m so với mặt nước biển, Vườn Quốc gia Hoàng Liên có nhiều đỉnh núi cao, trong đó cao nhất là đỉnh Fansipan, được ví như “Nóc nhà Đông Dương”. Nơi đây có những cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp với thảm thực vật, hệ thực vật, động vật rất đa dạng và phong phú; cùng cộng đồng các dân tộc bản địa sống ở vùng đệm, vùng lõi của vườn vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc…Tất cả các yếu tố này giúp Vườn Quốc gia Hoàng Liên có cơ hội để phát triển nhiều loại hình du lịch, như chinh phục đỉnh cao, khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục, nghỉ dưỡng…

Khảo sát tour, tuyến mới tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Nhiều năm qua, những sản phẩm du lịch, như tour leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, tuyến tham quan suối Vàng - thác Tình Yêu; du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường… đã được Vườn đưa vào khai thác, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên cho biết: Năm 2019, có hơn 60 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm các tour, tuyến du lịch tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (không tính các điểm do đơn vị ngoài khai thác), doanh thu ước đạt trên 4 tỷ đồng. Với mỗi lượt khách, Vườn Quốc gia Hoàng Liên thu được khoảng 77 nghìn đồng, con số khá khiêm tốn so với tiềm năng. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng du khách đã trở lại Vườn Quốc gia Hoàng Liên khá ổn định.

Đánh giá về hiệu quả của các tour, tuyến du lịch tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, ông Lê Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Viettrekking cho rằng: Các tour, tuyến du lịch của Vườn khá phong phú, mang lại sự lựa chọn mới cho du khách. Các tour rất đa dạng để du khách lựa chọn theo sở thích và thời gian cá nhân. Trong các tour, điểm du lịch tại thị xã Sa Pa thì Vườn Quốc gia Hoàng Liên luôn là một trong những điểm đến không thể thiếu của nhiều du khách. Đây cũng là địa điểm được Viettrekking lựa chọn để tổ chức các tour chinh phục, trong đó có đỉnh Fansipan...

Với quyết tâm khai thác du lịch xanh và bền vững, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã phối hợp với Trung tâm Tài nguyên và Môi trường lâm nghiệp - Viện Điều tra, Quy hoạch rừng xây dựng Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Qua đó, đảm bảo việc khai thác tiềm năng tự nhiên hợp lý để kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và giáo dục môi trường; phát triển du lịch gắn với quản lý bền vững các giá trị của Vườn Di sản ASEAN.

Giai đoạn tới, Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ phát triển du lịch sinh thái theo nhiều phương thức khác nhau nhằm khai thác tối đa lợi ích bảo tồn và giảm thiểu tác động tiêu cực, ít tác động đến môi trường tự nhiên. Trong đó, đơn vị trực tiếp tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; liên doanh, liên kết với đối tác và cho thuê môi trường rừng để các nhà đầu tư kinh doanh hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí… Ông Hoàng Văn Dân, Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan (đơn vị thuê môi trường rừng của Vườn Quốc gia Hoàng Liên để kinh doanh du lịch) cho rằng: Việc phát triển du lịch dựa trên sự khai thác các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, văn hóa của địa phương là phù hợp với xu hướng du lịch xanh và bền vững.

Nói về chiến lược phát triển du lịch, ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên khẳng định: Việc phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ dựa trên môi trường sinh thái, gắn với thiên nhiên trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường rừng. Tất cả các sản phẩm du lịch của Vườn sẽ được nâng cấp, làm mới, phát triển dựa trên các tiêu chí này.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gần 400 khách du lịch đến Lào Cai trong chuyến tàu đầu tiên sau mưa lũ

8 giờ 30 phút ngày 24/9, chuyến tàu mang số hiệu SP4 khởi hành từ ga Hà Nội đã đến ga Lào Cai sau chuyến hành trình dài vượt qua cung đường được khắc phục sau trận mưa lũ gây thiệt hại nặng nề vừa qua.

Du lịch Lào Cai chung tay cùng bà con vùng lũ

Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của người Việt Nam, những ngày qua, các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ ở Lào Cai đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Chăm sóc cây xanh đô thị kiến tạo cảnh quan du lịch Sa Pa

Những năm gần đây, việc chăm sóc cây xanh đô thị và cây hoa trang trí đã trở thành một yếu tố kiến tạo nên không gian du lịch của thị xã Sa Pa. Đây là nỗ lực nhằm nâng cao cảnh quan đô thị, chất lượng môi trường thiên nhiên đối với du khách trong và ngoài nước.

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.