Kim ngạch thương mại toàn cầu đạt kỷ lục trong quý I/2022

Báo cáo cập nhật tình hình thương mại toàn cầu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 7/7 cho biết, kim ngạch thương mại toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 7,7 nghìn tỷ USD trong quý I/2022, tăng khoảng 1 nghìn tỷ USD so với quý I/2021.

Container hàng hóa được xếp tại cảng Hanjin Incheon, Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, xu hướng tích cực đối với thương mại quốc tế có thể sớm kết thúc trong bối cảnh các chính sách thắt chặt và mâu thuẫn địa chính trị.

Sự tăng trưởng này (tăng khoảng 250 triệu USD so với quý IV/2021) được thúc đẩy bởi giá hàng hóa tăng trong khi khối lượng thương mại chỉ tăng ở mức độ thấp hơn nhiều. Mặc dù tình hình dự kiến sẽ vẫn tích cực, song tăng trưởng thương mại chậm lại trong quý II/2022.

Báo cáo cho biết cuộc xung đột ở Ukraine đang bắt đầu ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, phần lớn qua việc tăng giá. Bên cạnh đó, lãi suất tăng và việc cắt giảm các gói kích thích kinh tế có thể sẽ tác động tiêu cực đến khối lượng thương mại trong thời gian còn lại của năm 2022. Sự biến động giá cả hàng hóa và các yếu tố địa chính trị cũng sẽ tiếp tục khiến tình hình thương mại trở nên bất định.

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng thương mại trong quý I/2022 vẫn mạnh mẽ trên tất cả các khu vực địa lý, ở cả các nước phát triển và đang phát triển, mặc dù có phần thấp hơn ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Tăng trưởng xuất khẩu nhìn chung đã mạnh hơn ở các khu vực xuất khẩu hàng hóa, do giá hàng hóa tăng. Giá trị xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển trong quý I/2022 cao hơn khoảng 25% so với quý I/2021. Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển là khoảng 14%.

Báo cáo cho thấy hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận giá trị thương mại trong quý I/2022 tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhiên liệu cao là nguyên nhân thúc đẩy giá trị thương mại trong lĩnh vực năng lượng tăng mạnh. Tăng trưởng thương mại cũng trên mức trung bình đối với kim loại và hóa chất. Ngược lại, xuất nhập khẩu phương tiện đi lại-vận chuyển và thiết bị thông tin liên lạc vẫn ở dưới mức của năm 2021 và 2019.

Báo cáo cho biết tình hình thương mại thế giới trong thời gian còn lại của năm 2022 có khả năng bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến do lãi suất tăng, áp lực lạm phát và lo ngại về khả năng thanh toán nợ ở nhiều nền kinh tế.

Cuộc xung đột ở Ukraine đang ảnh hưởng đến thương mại quốc tế. Các yếu tố khác dự kiến sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu trong năm nay là những thách thức tiếp tục đối với việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng khu vực hóa và các chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn.   

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/kim-ngach-thuong-mai-toan-cau-dat-ky-luc-trong-quy-i-2022-704439/

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.