Độc đáo trang phục người Mông trắng Bát Xát

Người Mông trắng trên địa bàn tỉnh sinh sống chủ yếu ở các xã Dền Thàng, Trung Lèng Hồ, Y Tý (Bát Xát). Cùng với nhiều nét văn hóa độc đáo, việc lưu giữ được trang phục truyền thống là điều tạo nên sự khác biệt của người Mông trắng với các dân tộc khác.
Phụ nữ người Mông trắng duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống.

Cả nam và nữ người Mông trắng ở Y Tý đều có trang phục truyền thống, nhưng nam giới chỉ có 1 bộ áo cánh và quần đen đơn giản, còn trang phục của phụ nữ cầu kỳ, đặc biệt hơn.

Bà Thào Thị Say, dân tộc Mông trắng ở thôn Ngải Chồ, xã Y Tý cho biết: Bộ trang phục của phụ nữ Mông trắng ở Y Tý gồm áo cánh dài tay màu đen, cổ tròn, vạt chéo, đóng khuy ở cổ và bên sườn. Tay áo được may thêm tấm thêu thổ cẩm, hoa văn; quần ngắn đến bắp chân, xà cạp trơn màu đen; giữa eo quấn và thắt đai có hoa văn sặc sỡ (màu xanh lá hoặc xanh da trời), cùng 1 chiếc tạp dề và đầu quấn khăn. Chiếc tạp dề được thắt ngang bụng, với phần cạp là miếng thổ cẩm được thêu hoa văn, ở giữa là miếng vải hình chữ nhật màu xanh da trời. Cùng với chiếc đai quấn eo, tạp dề là phần nổi bật nhất trong trang phục của phụ nữ Mông trắng ở Y Tý.

Hoa văn truyền thống trên trang phục của người Mông trắng ở Y Tý được sáng tạo và lấy cảm hứng từ những vật dụng quen thuộc như lược chải tóc, lỗ của chiếc kim khâu, con ốc sên, bông hoa, hạt dưa… Kỹ thuật thêu của họ rất tinh xảo, bao gồm kỹ thuật thêu đáp vải hình xoắn ốc và thêu dấu nhân. Tuy các mẫu hoa văn truyền thống này luôn có tông màu trầm, không quá sặc sỡ với những mảng màu lớn, nhưng lại có sức lôi cuốn người nhìn bởi các nét thêu tinh xảo, cầu kỳ.

Người Mông trắng mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết hoặc đám cưới, đám hỏi. Trong đời sống hiện nay, người Mông trắng thường mặc các bộ quần áo cách tân, hiện đại để tiện sinh hoạt và lao động.

Tuy nhiên, trang phục truyền thống của người Mông trắng ở mỗi nơi lại có sự khác biệt. Chị Sùng Thị Sua, dân tộc Mông trắng ở xã Dền Thàng cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở Dền Thàng. Khi sang làm dâu ở xã Y Tý, tôi mới biết trang phục truyền thống của phụ nữ Mông trắng nơi đây có nhiều nét khác biệt so với ở Dền Thàng. Ví dụ như người Mông trắng ở Dền Thàng mặc váy xòe bên ngoài chứ không phải quần. Nhiều điểm ở áo và tạp dề cũng khác...

Phần tay áo được thêu thổ cẩm đẹp mắt.

Bộ trang phục truyền thống của người Mông trắng đều do phụ nữ tự tay dệt vải, thêu và may cho cả gia đình. Ngày nay, họ không tự dệt vải nữa mà mua vải bán sẵn, sau đó thêu những miếng thổ cẩm để may thành bộ hoàn chỉnh.

Hiện cũng rất hiếm nơi bán sẵn bộ trang phục truyền thống của người Mông trắng nên hầu hết phụ nữ ở đây vẫn tự may, thêu quần áo cho mình và người thân.

Khi Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với các đơn vị hỗ trợ, người Mông trắng ở Y Tý đã được tham gia dự án phát triển hàng thủ công từ năm 2014 - 2016. Phụ nữ Mông nơi đây được tham gia các khóa tập huấn về kỹ năng thêu, hoàn thiện sản phẩm khâu tay, kỹ năng quản lý nhóm, kỹ năng tiếp thị sản phẩm... Người Mông trắng ở Y Tý đã khôi phục và tạo ra nhiều sản phẩm mới dựa trên hoa văn truyền thống và có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát, việc bảo tồn trang phục các dân tộc trên địa bàn huyện Bát Xát nói chung và dân tộc Mông nói riêng đã được đưa vào Đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025”. Hằng năm, ngành văn hóa tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc tại từng khu vực nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông được tổ chức tại các cụm xã có đồng bào Mông sinh sống. Thời gian tới, ngành văn hóa tiếp tục tham mưu với huyện, tỉnh có thêm nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ khôi phục, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó có việc bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Mông trắng.

https://baolaocai.vn/bai-viet/356478-doc-dao-trang-phuc-nguoi-mong-trang-bat-xat

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.