Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư

Trưa 15/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã dự tiệc giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

 

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đông đảo các chuyên gia kinh tế, tài chính và lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Trung Quốc tham dự sự kiện này.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có quan hệ hữu nghị truyền thống. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã quyết định thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trên tinh thần phương châm 16 chữ và 4 tốt.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trụ cột chủ yếu trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Với nhận thức chung về tiềm năng và lợi ích từ việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam-Trung Quốc và coi sự lớn mạnh của mỗi nước là cơ hội phát triển của nhau, thời gian qua, hai nước đã đưa ra nhiều sáng kiến, chương trình hợp tác lớn như hợp tác Hai hành lang, một vành đai kinh tế; Hiệp định về phát triển sâu rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc.

Chính phủ hai nước cũng đã ký kết Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2012-2016. Trong đó, hai bên cũng đã xác định được danh mục các dự án hợp tác trọng điểm để xem xét, triển khai trong thời gian tới.

Đặc biệt, hai bên vừa thống nhất thành lập Nhóm công tác của hai nước để thúc đẩy đầu tư các dự án lớn như: Đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội; Móng Cái-Quảng Ninh; đường sắt tốc độ cao Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và cũng đã nhất trí cùng thành lập Nhóm công tác hợp tác về tài chính, tiền tệ giữa hai nước. Đây là cơ sở và là những điều kiện thuận lợi quan trọng để các bộ, ngành và địa phương hai nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp hai bên thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực.

Phát biểu tại giao lưu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam-Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Trung Quốc hiện nay là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2012 đạt trên 41 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2011. Trong 8 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đã đạt gần 32 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2015 là rất khả thi và có thể đạt cao hơn.

Đến hết tháng 9/2013, Trung Quốc đã có gần 940 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, đứng thứ 12 trong tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

 

Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý: Tuy đã đạt được nhiều kết quả, nhưng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vẫn chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng thực tế của hai bên.

“Việt Nam luôn coi trọng, ủng hộ, mong muốn và tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư, hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh những khuôn khổ hợp tác song phương, với thuận lợi nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm tới những cơ hội mới thông qua việc Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với sự tham gia của Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực. Việt Nam cũng đang đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), với Liên minh Thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan; Hiệp định Đối tác xuyên thái Bình Dương (TPP) và một số FTA khác.

“Những hiệp định này sẽ mở ra cơ hội hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư rộng lớn không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Về phía mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước núi sông liền dải, văn hóa gắn bó với nhau, tình cảm hữu nghị lâu đời. Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư. Trong kết quả hợp tác chung Việt Nam-Trung Quốc có sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh Trung Quốc luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam và sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với phía Việt Nam làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị truyền thống, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đạt được những kết quả mới, vì lợi ích thiết thực và sự phát triển chung của cả hai nước.

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định: “Trung Quốc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sang thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại tại Việt Nam; đồng thời cũng luôn hoan nghênh, chào đón, ủng hộ các doanh nghiệp của Việt Nam sang hợp tác đầu tư, làm ăn tại Trung Quốc”.

Đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEAN, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ của Việt Nam đối với các chính sách mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Trung Quốc với ASEAN.

(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...