Giữ nét đẹp truyền thống từ những gia đình nhiều thế hệ

Đang cặm cụi nhổ cỏ, tưới cây cảnh trước sân, bà Trần Thị Chiến, tổ 31, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) bất ngờ được cậu cháu trai ôm chầm từ phía sau. “Con chào bà! Cả ngày đi học, bây giờ con mới được ôm bà”. “Ôi chao! Bà cháu mình mới gặp nhau lúc sáng thôi mà!”. Cuộc trò chuyện của 2 bà cháu khiến những ai chứng kiến đều cảm nhận được tình cảm khăng khít, gắn bó, tràn đầy yêu thương.
Gia đình “tam đại đồng đường” của bà Trần Thị Chiến.

Ở tuổi 76, sống cùng vợ chồng con trai cả và các cháu, bà Chiến luôn thấy hạnh phúc, mãn nguyện vì gia đình “tam đại đồng đường”. Các con, cháu của bà dù ở gần hay xa, công việc có bận rộn đến đâu vẫn luôn sắp xếp thời gian để trở về quây quần bên bà. Chính vì vậy, bà luôn có tâm trạng vui vẻ, thoải mái, bệnh tật tuổi già dường như cũng tan biến.

Bà Trần Thị Chiến tâm sự: Chồng tôi mất đã lâu, nhưng nhờ có các con, cháu luôn đoàn kết, hiếu thảo, rất quan tâm đến mẹ, đến bà nên tôi rất hạnh phúc. Chỉ cần tôi bảo thấy mệt trong người là lập tức các con, các cháu quây quần chăm sóc.

Anh Nguyễn Thành Long, con trai cả của bà Trần Thị Chiến cho biết: Bố mẹ tôi đã rất vất vả nuôi 5 anh chị em chúng tôi ăn học. Bố tôi mất đã nhiều năm, chúng tôi càng thương mẹ hơn. Chúng tôi bảo nhau phải để mẹ sống những ngày tháng thật vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu, bù đắp những hy sinh, vất vả mà mẹ đã trải qua.

Chính thái độ kính trên, nhường dưới, yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau đã giúp gia đình “tam đại đồng đường” của bà Chiến luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười, đồng thời giáo dục cho con, cháu gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình.

“Cháu rất vui khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về sự yêu thương, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau. Nhờ sống với bà từ nhỏ, cháu được bà chỉ dạy nhiều điều. Những khi gặp chuyện không vui trong cuộc sống hoặc học tập, về nhà cháu thường tâm sự với bà và được bà an ủi, động viên”, Nguyễn Như Thành Nam, cháu nội bà Trần Thị Chiến chia sẻ.

Không chỉ là những bữa cơm quây quần, những ngày nghỉ lễ, dịp cuối tuần, các con, cháu bà Chiến lại lên kế hoạch đưa mẹ đi chơi, khi là chuyến du lịch ở nơi xa, khi là chuyến trải nghiệm đạp xe quanh thành phố… Được các con, cháu động viên, bà Chiến còn chăm chỉ tập luyện thể dục - thể thao, thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng. Nhờ đó, bà luôn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời.

Cũng có 3 thế hệ cùng chung sống, gia đình ông Trần Xuân Hải và bà Phạm Thị Tươi, tổ 23, phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) được anh em, bạn bè, hàng xóm yêu quý, tôn trọng. Theo ông bà, chính sự thấu hiểu, cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ nhau của các thành viên đã giúp gia đình ông bà vui vẻ, hạnh phúc. Mỗi lứa tuổi mỗi cách nghĩ, nếp sống khác nhau, nhưng khi cùng chung sống dưới một mái nhà thì sự tôn trọng, yêu thương là chất keo gắn kết các thành viên trong gia đình.

Tự hào về gia đình đa thế hệ của mình, bà Phạm Thị Tươi nói: Vợ chồng tôi đều là đảng viên đã có hơn 50 năm tuổi Đảng, chúng tôi luôn cố gắng làm gương cho con, cháu. Sống trong gia đình nhiều thế hệ, các thành viên phải tự điều chỉnh hành vi, thái độ của mình cho phù hợp. Tôi thường xuyên giáo dục, chỉ bảo con, cháu những đạo lý truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tôi cũng tiếp thu góp ý của con, cháu để kết hợp hài hòa giữa cái mới và cái cũ sao cho các thế hệ trong gia đình luôn hiểu, cảm thông và chia sẻ được với nhau.

Những gia đình nhiều thế hệ như gia đình bà Chiến, bà Tươi đang ngày càng ít đi do ảnh hưởng của đời sống hiện đại, nhưng những giá trị tốt đẹp từ những gia đình đa thế hệ đã và đang góp phần vừa “giữ lửa” hạnh phúc gia đình, vừa giữ gìn nét đẹp văn hóa của gia đình truyền thống và lan tỏa yêu thương tới cộng đồng, xây dựng xã hội văn minh.              

https://baolaocai.vn/bai-viet/348025-giu-net-dep-truyen-thong-tu-nhung-gia-dinh-nhieu-the-he

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.