Tận dụng cơ hội cho phục hồi và tăng trưởng

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong khó khăn, các chuyên gia cho rằng, vẫn có những điểm sáng, động lực phát triển.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất siêu trở lại trong tháng 9
 

Khai thác tối đa các FTA

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhìn vào số liệu về tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tác động nặng nề của làn sóng dịch COVID-19 lớn hơn mọi dự đoán của giới kinh tế trước đó.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể khi đánh giá “sức khoẻ” của nền kinh tế, theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chúng ta vẫn thấy được các động lực cho sự phục hồi và tăng trưởng.

Trước tiên, không ít doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch, nhưng nhìn chung đây vẫn là vấn đề tạm thời. Chuyên gia này tin rằng, khi nền kinh tế mở của trở lại với quan điểm chống dịch đúng đắn của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 thì tình hình sẽ sớm cải thiện.

"Việc chống dịch hiệu quả với các ca mới giảm, vùng xanh tăng lên cùng với đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine là một điều kiện để nền kinh tế có thể khôi phục lại mức tăng trưởng cao hơn trong quý IV", Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng nói.

Điểm sáng đáng chú ý nhất là xuất khẩu, thương mại quốc tế. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, trong quý IV, nếu các DN nghiệp trở lại hoạt động kịp thời với các đơn hàng dịp cuối năm, tổng kim ngạch XNK trong năm 2021 vẫn có thể đạt mức trên 600 tỷ USD.

Đặc biệt, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn có xu hướng tăng qua các năm, cho thấy nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao và giao thương quốc tế sôi động. Việt Nam là quốc gia rất tích cực triển khai hợp tác các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… Đây là những hiệp định có tiềm năng như những “con đường cao tốc” lớn đến các thị trường toàn cầu. Vị chuyên gia này cho rằng, đến nay, các DN Việt Nam vẫn chưa khai thác triệt để hiệp định thương mại tự do mới.

“Đã đến lúc Việt Nam đẩy mạnh việc tận dụng các hiệp định đa phương và song phương. Thực hiện đa dạng hoá, không chỉ xuất khẩu ở các thị trường truyền thống như châu Âu, Hoa Kỳ, các DN cần tìm cơ hội thâm nhập cả những thị trường châu Á, Mỹ Latin, châu Phi…thậm chí các DN đầu đàn nên tính đến chiến lược mua tài sản, đầu tư ra nước ngoài”, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng nói. Ý tưởng là vậy, nhưng để thực hiện các DN Việt Nam cũng cần thay đổi, khắc phục được điểm yếu kém tính liên kết hỗ trợ nhau trong việc phát triển thị trường cũng như phối hợp triển khai các đơn hàng, hợp đồng, cộng hưởng sức mạnh, tận dụng cơ hội nhỏ nhất để phát triển.

Về đầu tư nước ngoài, số liệu 9 tháng cho thấy tổng số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến 20/9/2021 đăng ký cấp mới giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 20,6%. Số liệu trên cho thấy, dù bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn là mảnh đất tốt để đổ vốn đầu tư của các DN FDI.

Theo chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, các DN khi đầu tư ở Việt Nam tính toán rất kỹ triển vọng lâu dài, không vì một vài khó khăn trước mắt, ngắn hạn mà họ thay đổi chiến lược đầu tư.  Với một Chính phủ tận tâm trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, coi “thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình”, hay lợi thế thị trường lớn, dồi dào, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, quan điểm, tận dụng dư địa cải cách thể chế, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi số là bước đi rất đúng đắn của Chính phủ. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ xác định rủi ro về dịch bệnh vẫn còn, thì việc triển khai mạnh dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số, chữ ký số, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực này là hết sức cần thiết.  Qua đó, các DN có thể cải tiến cách thức quản trị, chiến lược kinh doanh, với các mô hình kinh doanh thông minh, thích ứng hiệu quả tận dụng tốt cơ hội của các cuộc cách mạng công nghiêp 4.0.

Tận dụng dư địa lạm phát thấp

PGS.TS  Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính phân tích, nhìn vào bức tranh kinh tế xã hội có một số điểm sáng như: tốc độ tăng trưởng chung 9 tháng vẫn dương, dù trong tháng 8 bị sụt giảm tương đối mạnh do buộc phải tiến hành giãn cách xã hội để ứng phó với tình hình dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt ở nhiều tỉnh, thành, trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đánh giá, ngân sách đang được quản lý tốt, dù thực tế thu ngân sách bị ảnh hưởng do kinh tế khó khăn, sụt giảm trong tháng 8, 9 nhưng thu ngân sách nhà nước (NSNN) cuối tháng 9 vẫn đạt 77% dự toán thu. Đây là một điểm quan trọng trong 9 tháng vừa qua, bởi nó giúp tích luỹ nguồn lực, hỗ trợ công tác chống dịch một cách tốt nhất.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đồng tình với chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội ngay khi có điều kiện theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề là ở các địa phương phải triển khai vừa cẩn trọng, vừa dứt khoát theo đúng tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Ưu tiên trước hết vẫn phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch nhưng cũng cần đưa ra các điều kiện an toàn và lộ trình phù hợp để mở cửa trở lại nền kinh tế. DN cần sớm quay trở lại sản xuất đơn hàng xuất khẩu cho dịp cuối năm, các ngày lễ của nước ngoài, tranh thủ kết nối lại chuỗi cung ứng… Thời gian qua, bên cạnh nỗ lực chống dịch, lãnh đạo Chính phủ thường xuyên gặp gỡ đối thoại với các Hiệp hội, các DN trong và ngoài nước để tháo gỡ khó khăn. Vị chuyên gia này hoan nghênh chủ trương của Chính phủ chuyển mục tiêu “zero COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.

Trong các chỉ số kinh tế, ông Đinh Trọng Thịnh chú ý nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, bình quân 9 tháng tăng 1,82% so với cùng kỳ 2020, thấp nhất trong 6 năm, thể hiện một phần là cầu còn yếu, vòng luân chuyển tiền tệ trong nền kinh tế quốc dân còn chậm, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Vị chuyên gia này gợi ý nhân cơ hội áp lực lạm phát giảm, có thể xem xét điều chỉnh chính sách nới lỏng tiền tệ hơn (như hạ lãi suất) cũng như triển khai các gói hỗ trợ tài khoá, bơm thêm tiền thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển.

Thực tế, thời gian qua, bên cạnh chống dịch quyết liệt, Chính phủ đã và đang khẩn trương xây dựng và ban hành các chương trình kế hoạch lớn đa dạng, mục tiêu là dồn các nguồn lực bao gồm cả ngân sách để tạo cú hích mạnh giúp phục hồi kinh tế.

“Các “gói hỗ trợ”, liên quan đến giảm thuế, tiền thuê đất, các chương trình giảm lãi vay, giãn, hoãn nợ, không cơ cấu lại nhóm nợ, chương trình kích cầu qua gói hỗ trợ lãi suất vay giúp giảm lãi suất đúng theo tinh thần “hài hoà lợi ích” của Chính phủ sẽ giúp DN nói riêng và nền kinh tế nói chung sớm phục hồi”, ông Đinh Trọng Thịnh nhận định.  

Góp ý đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ với Công điện số 7036/CĐ-VPCP ngày 30/9 vừa qua truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, yêu cầu sự phối hợp đồng bộ. Đáng chú ý, Công điện này có yêu cầu hằng tháng, các đơn vị phải tổng hợp, gửi kết quả giải ngân vốn đầu tư công về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ chậm nhất là ngày mùng 3 của tháng tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Công điện này sẽ tạo áp lực rất lớn, đốc thúc mạnh mẽ các đơn vị đẩy nhanh tiến độ công việc, nếu không muốn bị “mất điểm” trước dư luận vì triển khai chậm trễ chỉ đạo của Chính phủ.

https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Tan-dung-co-hoi-cho-phuc-hoi-va-tang-truong/448475.vgp

 

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...