Thích ứng an toàn với Covid-19

Nhiều nước trên thế giới đang tìm giải pháp cân bằng giữa việc đối phó đại dịch và khôi phục đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đã hoành hành gần hai năm nay. Thích ứng an toàn với Covid-19 và thiết lập trạng thái “bình thường mới” là một hướng đi mà nhiều nước ưu tiên chọn lựa vào thời điểm này.

Du khách trở lại Venice, Italia mùa hè 2021 (Ảnh: REUTERS)

Kinh tế thế giới bị bao phủ gam mầu xám trong hơn một năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại… nhằm đối phó đại dịch đã khiến nhiều nền kinh tế điêu đứng. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vắc-xin, qua đó tìm cách thích ứng an toàn với Covid-19 để mở cửa trở lại nền kinh tế.

Nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai từ cuối năm 2020, các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp kinh tế toàn cầu khởi sắc từ quý II/2021. Theo hãng tư vấn IHS Markit, nền kinh tế thế giới được đánh giá là đã vượt qua giai đoạn suy thoái và dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 4,5% trong năm 2022. Ðà phục hồi của kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn là điều kiện thuận lợi để các nước khác mở cửa trở lại.

Nhiều nước Ðông Nam Á cũng đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt hơn. Thay vì áp đặt phong tỏa toàn quốc hoặc diện rộng, Philippines đang thực hiện biện pháp khoanh vùng hẹp, cách ly các khu phố, gia đình có người nhiễm. Singapore thay đổi tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh, chú trọng quan tâm đến số ca có triệu chứng nặng và cần chăm sóc đặc biệt, thay vì cập nhật số ca nhiễm như trước đây. Với cách làm này, các doanh nghiệp ở Singapore không phải lo bị phong tỏa, ngay cả khi có trường hợp dương tính với Covid-19. Indonesia siết chặt các quy định như đeo khẩu trang, sát khuẩn thay vì áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, chính phủ các nước nhấn mạnh vai trò quan trọng của vaccine đối với việc bảo đảm an toàn cho sản xuất, kinh doanh. Việc bao phủ vaccine trong các văn phòng, nhà máy, xí nghiệp sẽ làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, qua đó giúp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn. Từ tháng 6/2021, Nhật Bản đã tiến hành tiêm chủng đại trà cho người lao động ngay tại nơi làm việc và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hơn 2.300 doanh nghiệp.

Giới chuyên gia y tế nhấn mạnh, dù nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch nhưng các nước vẫn cần chú trọng bảo đảm giãn cách, đeo khẩu trang, thực hiện mô hình làm việc xen kẽ trực tiếp và từ xa. Bởi vì, với sự lây lan nhanh của biến thể Delta, chỉ có tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mới bảo đảm an toàn cho việc mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế.

https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/thich-ung-an-toan-voi-covid-19-667010/
Theo Báo Nhân Dân

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.