Vaccine Sinopharm: Hỗ trợ cuộc chiến chống dịch tại nhiều nước

Vaccine Sinopharm là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được phát triển bởi một quốc gia không thuộc phương Tây, được sự phê duyệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có “hiệu quả khả quan” và mang lại kết quả trong việc ngăn chặn các ca bệnh trở nặng và tử vong.

Vero Cell là tên của vaccine COVID-19 bất hoạt, được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh, thuộc Tập đoàn Y Dược Trung Quốc (Sinopharm). Loại vaccine Trung Quốc này được phát triển theo phương pháp truyền thống, sử dụng các phần tử virus bất hoạt, khác vaccine Pfizer và Moderna của Mỹ được bào chế theo công nghệ mRNA.

Vaccine Sinopharm được phát triển theo phương pháp truyền thống, sử dụng các phần tử virus bất hoạt

Trung Quốc đã xuất khẩu gần 1 tỷ liều vaccine COVID-19 đến hơn 60 quốc gia và cam kết thêm 2 tỷ liều nữa trong năm nay.

Châu Á Thái Bình Dương nhận được số lượng vaccine Trung Quốc nhiều nhất, với 38 quốc gia mua hoặc nhận tài trợ từ Trung Quốc. Mỹ Latin nhận được số lượng vaccine Trung Quốc nhiều thứ hai (19 quốc gia).

Châu Phi có tới 33 quốc gia mua hoặc nhận tài trợ vaccine từ Trung Quốc nhưng tổng số lượng chỉ đứng thứ 3.

Sinovac đã bán được 556 triệu liều cho 42 quốc gia, trong đó Indonesia, Brazil và Chile là những khách hàng lớn nhất, đã mua lần lượt 125 triệu, 100 triệu và 60 triệu liều.

Trong khi đó, Sinopharm đóng góp chính cho nguồn vaccine tài trợ của Trung Quốc tới 72 quốc gia với tổng 32 triệu liều.

Sinopharm đã tiến hành thử nghiệm ở các nước bao gồm UAE, Ai Cập và Morocco. Các quốc gia này đã mua tương ứng 18 triệu, 20 triệu và 18 triệu liều vaccine của Sinopharm.

Tiến triển tại nhiều quốc gia sử dụng vaccine Sinopharm

Ngày 7/5/2021, vaccine Sinopharm được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) với hiệu quả bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh COVID-19 lên đến 78,2%, theo kết quả hậu lâm sàng, được khuyến cáo cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Trong khi đó, vaccine Sinopharm có hiệu quả 79% trong việc giảm tỉ lệ nhập viện khi mắc COVID-19 và các trường hợp không phải vào phòng chăm sóc đặc biệt. Đánh giá chung về vaccine Sinopharm, các chuyên gia cho biết, vaccine phát huy hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp, là một mắt xích trong việc giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine COVID-19 trên toàn cầu.

Tính đến 30/7, Trung Quốc đã tiêm được 1,64 tỷ liều vaccine COVID-19 trên tổng số hơn 4 tỷ liều được tiêm trên toàn thế giới. Tuy nhiên số liệu không cung cấp chi tiết tỉ lệ từng loại vaccine được tiêm.

Các chuyên gia cho rằng, những vaccine Trung Quốc - đã được WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp - rất đáng để các nước có nhu cầu sử dụng.

Tại các quốc gia chọn sử dụng vaccine của các hãng dược Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm, như Indonesia, UAE, Chile..., tình hình dịch bệnh hiện tại đang có dấu hiệu tiến triển tốt, chiến dịch tiêm chủng được xúc tiến, tỉ lệ tiêm chủng gia tăng.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Sinopharm hôm 30/4/2021

Chính phủ Indonesia ngày 20/9 tuyên bố dịch bệnh COVID-19 ở nước này đã được kiểm soát một cách tương đối khi tỉ lệ lây nhiễm ở mức thấp nhất và số ca nhiễm mới giảm đều đặn trong vài tuần qua.

Theo The Straits Times, Chính phủ Indonesia cho biết việc tăng cường tiêm chủng đã giúp tình trạng ở Jakarta trở nên khả quan hơn so với các khu vực khác trong nước. Theo trang Our World in Data (Anh), có khoảng 9,3% dân số Indonesia đã được tiêm chủng đầy đủ. Tại thủ đô Jakarta, 42% cư dân đã tiêm chủng đầy đủ, và hơn 90% đã tiêm ít nhất một mũi vaccine. Phần lớn vaccine được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng ở nước này là vaccine của hãng dược Trung Quốc Sinovac.

Theo tờ Khaleej Times, trong tháng 7, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ghi nhận chỉ hơn 47.900 ca nhiễm (trung bình 1.540 ca mỗi ngày), giảm thêm so với mức thấp trước đó là 50.500 ca nhiễm hồi tháng 5.

Trước đó, vào tháng 6, UAE ghi nhận có hơn 62.000 ca nhiễm (trung bình 2.060 ca mỗi ngày) khi bị biến thể Delta tấn công.

Các bác sĩ cho biết sự kết hợp giữa việc triển khai tiêm vaccine diện rộng, thuốc kháng virus Sotrovimab (Anh), cùng các quy trình xét nghiệm và hạn chế nghiêm ngặt đã giúp giảm thiểu số lượng ca nhiễm.

Tiến sĩ Khalid Alkubaisy - chuyên gia nội khoa tại Bệnh viện Medeor, Abu Dhabi - nhấn mạnh rằng với một đợt tiêm chủng mạnh mẽ, UAE đang đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc trở lại trạng thái bình thường.

Ngày 2/8, Bộ Y tế UAE cũng ra quyết định triển khai tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) cho trẻ em từ 3 tuổi. Quyết định trên được đưa ra sau khi đã thực hiện các thử nghiệm lâm sàng và đánh giá kỹ lưỡng, theo hãng tin Reuters.

Kể từ tháng 6, số ca mắc COVID-19 ở Chile liên tục giảm trong lúc chính phủ nước này đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng của họ. Nước này chủ yếu sử dụng vaccine của Sinovac trong chương trình tiêm chủng của mình, bên cạnh các loại vaccine của các hãng khác như Pfizer/BioNTech, AstraZeneca.

Theo tờ South China Morning Post, số ca nhiễm hằng ngày ở Chile đã giảm mạnh từ mức hơn 8.900 người vào ngày 6/6, xuống còn chưa đến 1.500 trong những ngày đầu tháng 8. Đến ngày 10/8, số ca mắc mới chỉ còn 507 ca.

Theo ông Eduardo - chuyên gia tại ĐH Pontificia (Chile), “lời giải thích trực quan nhất cho sự sụt giảm nhanh chóng số ca nhiễm là nhờ phần lớn dân số đã được tiêm chủng đầy đủ”. Bên cạnh đó, ông cho biết ngoài ra còn có sự đóng góp vô cùng lớn của việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế (lệnh giới nghiêm, đeo khẩu trang bắt buộc, cấm tụ tập đông người, song lưu ý Chile vẫn nên cảnh giác trước biến thể Delta.

 

Campuchia đã trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao

Campuchia đã triển khai đợt tiêm chủng COVID-19 kể từ ngày 10/2, với mục tiêu tiêm chủng 12 triệu người, tương đương 75% dân số nước này, vào tháng 11.

Theo Thủ tướng Hun Sen, Campuchia đang dần đạt được miễn dịch cộng đồng, khi tỉ lệ số ca tử vong và lây nhiễm COVID-19 đều giảm.

Campuchia đã trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao. Tính đến ngày 22/9/2021, khoảng 66% dân số Campuchia từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine COVID-19. Ngoài ra, từ ngày 17/9/2021, Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng đã phát động chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 6-12 tuổi và tiến hành tiêm liều bổ sung (mũi thứ 3) cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Do đó, Campuchia đang dần đạt được miễn dịch cộng đồng, khi tỉ lệ số ca tử vong và lây nhiễm COVID-19 đều giảm.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh với chủ đề “Chấm dứt đại dịch COVID-19 và xây dựng lại tốt hơn” do Tổng thống Mỹ chủ trì tổ chức nhân dịp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 vào ngày 22/9 (theo giờ New York), Thủ tướng Hun Sen nói: Vaccine là mặt hàng quan trọng để cứu mạng sống con người, Campuchia hoan nghênh mục tiêu tiêm chủng, đặc biệt là tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số thế giới. Để đạt được điều này, Campuchia kêu gọi xác định các loại vaccine COVID-19 đã được WHO công nhận là hàng hóa toàn cầu quan trọng và không phân biệt đối xử về nguồn gốc và chủng loại, xác định vaccine là hàng hóa cộng đồng có giá trị phải chăng và cho phép tất cả các quốc gia được tiếp cận và sử dụng theo yêu cầu.

http://baochinhphu.vn/Quocte/Vaccine-Sinopharm-Ho-tro-cuoc-chien-chong-dich-tai-nhieu-nuoc/447709.vgp

Theo Báo Chính phủ

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.