Người lưu giữ nghệ thuật hát then ở Vĩnh Yên

Những ngày lễ, tết, ngày hội, từ những ngôi nhà sàn gỗ cổ kính dựa vào sườn núi ở bản Khuổi Phường, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên) lại ngân lên những làn điệu hát then làm say đắm lòng người. Những câu hát then kết hợp với tiếng đàn tính từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày nơi đây. Góp phần lưu giữ điệu hát then ở Vĩnh Yên là Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy.

Ông Hoàng Văn Thụy được mệnh danh là “anh cả” trong sưu tầm, lưu giữ, sáng tác nghệ thuật hát then của người Tày ở xã Vĩnh Yên tại thời điểm này.

Năm nay ngoài 50 tuổi nhưng ông Hoàng Văn Thụy vẫn còn khá trẻ trung. Thấy khách, ông Thụy mời lên nhà sàn rót trà mời, rồi nhìn sang vợ nói với chúng tôi một câu như đùa: Có lẽ vì vợ chồng tôi hay hát then, gảy tính tẩu nên cuộc sống lúc nào cũng vui tươi, trẻ trung được như vậy…

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy bên cây đàn Tính.

Theo lời kể của ông Thụy, ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Khuổi Phường có truyền thống hát then. Khi đủ 18 tuổi, cũng như nhiều thanh niên khác trong làng, ông lên đường nhập ngũ và sau khi ra quân trở về quê hương sản xuất, xây dựng gia đình. Điều đặc biệt là ông được thừa hưởng gen hát then của các bậc tiền bối trong dòng tộc, nhất là dì ruột là cố Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Cứ - người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sưu tầm, trình diễn các làn điệu hát then cổ của người Tày. Với tình yêu tha thiết truyền thống văn hóa của dân tộc mình, ông Thụy vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vừa theo học hát then của bà Hoàng Thị Cứ. Năm 2012, sau khi Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Cứ mất do bạo bệnh, ông Thụy trở thành học trò duy nhất được thừa hưởng toàn bộ “di sản” mà bà để lại.

“Tôi cảm thấy lúc đó di sản bà Cứ để lại quá nặng với mình và trước mắt không biết phải giữ gìn như thế nào. Tuy nhiên, nhớ lời dạy của bà nên tôi đã cố gắng vận dụng tất cả những gì đã học hỏi được để tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, không để di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc mình bị mai một và thất lạc”, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy chia sẻ.

Để làm phong phú thêm kho tàng hát then của mình, ngoài những bài hát then cổ đã có, ông Thụy vẫn miệt mài lặn lội đến tất cả những bản làng nơi có người Tày sinh sống để tìm hiểu và ghi chép cẩn thận. Đêm đến, khi nhà nhà đã tắt đèn đi ngủ, ông lại lật từng trang sổ để đọc, viết, sắp xếp lại cho hoàn chỉnh. Cứ như vậy, trong hơn 30 năm hoạt động sưu tầm văn hóa, ông Thụy đã bổ sung cho mình hàng trăm bài hát then cổ và sáng tác nhiều bài hát then mới.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy còn sáng tác hàng chục bài hát then với mục đích tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, quy định của địa phương. Những bài hát then như: Đường lối cách mạng Hồ Chí Minh, Lào Cai đổi mới, Bảo Yên quê noọng, Bốn mùa hoa nở, Hát về nông thôn mới… đã góp phần khích lệ người dân bản Khuổi Phường tích cực lao động, sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và tuân thủ pháp luật.

Từ năm 2009 đến nay, ông Hoàng Văn Thụy và một số nghệ nhân ở bản Khuổi Phường còn tham gia nhiều hội thi như Liên hoan hát then đàn tính toàn quốc, Liên hoan dân ca các dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh Lào Cai… và giành được nhiều giải cao.

Dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhưng với tình yêu hát then và vai trò của một nghệ nhân văn hóa, ông Hoàng Văn Thụy vẫn say sưa sưu tầm, sáng tác, đưa di sản hát then vào giảng dạy trong các tiết ngoại khóa của trường học ở địa phương. Cùng với đó, duy trì hoạt động Câu lạc bộ hát then xã Vĩnh Yên với gần 30 thành viên tham gia. Với những việc đã gắn bó và cống hiến, ông Thụy xứng đáng là tấm gương sáng ở bản làng người Tày.

http://baolaocai.vn/bai-viet/345531-nguoi-luu-giu-nghe-thuat-hat-then-o-vinh-yen

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.