Văn Bàn bảo tồn giá trị văn hóa để thúc đẩy du lịch

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc được huyện Văn Bàn chú trọng. Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội được địa phương tổ chức; các thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp và hoạt động hiệu quả với mục tiêu góp phần thu hút du khách, thúc đẩy du lịch phát triển.
Nét văn hóa đặc sắc của người Tày Liêm Phú góp phần hình thành du lịch cộng đồng tại địa phương.

Trên địa bàn tỉnh, tộc người Mông xanh chỉ có ở Văn Bàn với số dân ít nhất trong nhóm ngành dân tộc Mông. Người Mông xanh có nhiều lễ hội, phong tục, tập quán đặc sắc, trang phục, ngôn ngữ cũng có những nét riêng. Vì vậy, địa phương xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn, phục dựng để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông xanh. Ông Vàng A Tớ, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Xé cho biết: Người dân ngày càng nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc. Chúng tôi hy vọng những nét đặc sắc trong văn hóa của người Mông xanh sẽ là điểm thú vị, thu hút sự quan tâm của khách du lịch, từ đó tiến tới giúp nơi đây trở thành một điểm du lịch cộng đồng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương.

Đặc biệt, huyện Văn Bàn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh. Đền Ken trên địa bàn xã Chiềng Ken, đền Cô thuộc xã Tân An hằng năm đều được trùng tu và thu hút lượng khách ngày càng đông. Huyện dự kiến tiếp tục trùng tu đền Ken, mở mới đường lên, tu bổ cảnh quan khuôn viên đền, sân lễ hội, bãi đỗ xe để nâng cấp quy mô từ Lễ dâng hương đền Ken thành Lễ hội đền Ken (tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm), góp phần đáp ứng nhu cầu chiêm bái của du khách và phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Hiện tại, Văn Bàn có 7 di tích lịch sử văn hóa (1 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia), 16 cơ sở tín ngưỡng cộng đồng. Ngoài ra, địa phương đang được bảo tồn 18 di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận. Tuy nhiên, nhiều năm qua, những di sản văn hóa cộng đồng mới dừng lại ở việc phục vụ hoạt động dân sinh tại chỗ, chưa phát triển thành sản phẩm du lịch. Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng gắn với phát triển kinh tế du lịch của huyện Văn Bàn còn gặp nhiều khó khăn.

Để những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tại địa phương trở thành sản phẩm du lịch, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn đang phối hợp với các phòng chuyên môn khảo sát các điểm du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa cộng đồng. Qua đó nhận thấy một số vùng có nhiều tiềm năng để khai thác như du lịch dù bay gắn với văn hóa cộng đồng tại xã Dần Thàng, xã Dương Quỳ; tuyến đường đua xe đạp địa hình gắn với du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Khánh Yên Trung, xã Làng Giàng; du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng tại xã Nậm Xé; du lịch sinh thái Thác Bay (xã Liêm Phú)…

Người Mông xanh có nhiều nét văn hóa độc đáo cần được bảo tồn.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, hệ thống nhà nghỉ, các dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách cũng phát triển, hiện trên địa bàn huyện có 22 nhà nghỉ. Đường liên xã, liên thôn đang được đầu tư, công tác tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng tự nhiên, xã hội nhằm thu hút khách đến khám phá Văn Bàn cũng được đẩy mạnh. Văn Bàn phấn đấu đến năm 2025 thực hiện quy hoạch và xây dựng 2 điểm du lịch và 1 làng, bản văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển 5 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương với gần 30 sản phẩm; trong nhiệm kỳ đón từ 500 nghìn lượt khách trở lên, nguồn thu của ngành du lịch trong tổng thu ngân sách của huyện ước đạt từ 3% đến 5%.

Khẳng định trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, UBND huyện Văn Bàn đã triển khai công tác bảo tồn trên địa bàn huyện theo giai đoạn. Theo đó, huyện huy động các nguồn lực đầu tư dựa vào cộng đồng, khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên gắn với xây dựng nông thôn mới để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: Khởi động xúc tiến du lịch đòi hỏi tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở, cơ chế, chính sách đồng bộ, thích ứng với sự phát triển và kế thừa, bảo tồn những nét đẹp văn hóa tại địa phương. Hiện Văn Bàn đã xây dựng Đề án Phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021 - 2025. Huyện luôn tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch nhằm khai thác tiềm năng về bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường, qua đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số...  

http://baolaocai.vn/bai-viet/10280/van-ban-bao-ton-gia-tri-van-hoa--de-thuc-day-du-lich

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.