Sức hấp dẫn của Việt Nam trong hợp tác đầu tư nước ngoài

Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh về tình hình chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào với cơ cấu dân số vàng…, môi trường đầu tư Việt Nam đã và đang xuất hiện nhiều yếu tố mới làm tăng sức hấp dẫn dòng vốn ngoại. Đó là nỗ lực chống dịch Covid-19 đạt những kết quả được cả thế giới ghi nhận, cho thấy khả năng ứng phó khủng hoảng toàn cầu tốt hơn so với nhiều nền kinh tế khác; nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng dương...
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của Samsung tại Việt Nam.

Nhiều tập đoàn lớn quan tâm

Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) Nguyễn Chí Dũng, có buổi làm việc trực tuyến với Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam Kim Huát Ooi. Phía Intel đề xuất một số vấn đề liên quan đến việc triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới công nghệ, triển khai công nghệ lắp ráp hiện đại; nâng cao năng lực của Intel tại Việt Nam để trở thành nhà máy sản xuất có công nghệ hiện đại, chế tạo những sản phẩm mới nhất. Đồng thời, Intel cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) và hỗ trợ triển khai các hoạt động R&D. Thông tin đến Intel, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó quy định rõ các chính sách và nguyên tắc, điều kiện áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Intel có thể nghiên cứu, bám sát các quy định của pháp luật Việt Nam để đưa ra đề xuất, kế hoạch cụ thể. Về phía Bộ KH và ĐT sẽ tiếp tục phối hợp để trao đổi, thống nhất và trình Chính phủ Việt Nam xem xét, thông qua. 

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư và các cuộc làm việc của tập đoàn đa quốc gia quan tâm đến Việt Nam được chuyển sang hình thức trực tuyến với đầu cầu Việt Nam đặt tại Trung tâm Điều hành của Bộ KH và ĐT. Trong tháng 7, hơn 1.000 nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản đã tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản để tìm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam trong bối cảnh các DN đang có xu hướng cơ cấu lại chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nhằm đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư, tránh phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Trong số các DN được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ để dịch chuyển sản xuất hoặc mở rộng đầu tư tại ASEAN, đã có 15 DN được hưởng hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam trong chuỗi giá trị mới.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tám tháng năm 2020, tổng vốn ĐTNN vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so cùng kỳ năm 2019; vốn thực hiện ước đạt 11,35 tỷ USD, bằng 94,9%. Trong đó, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài sụt giảm mạnh nhưng vốn đầu tư cấp mới và vốn tăng thêm vẫn giữ xu hướng tăng với mức tăng tương ứng 6,6% và 22,2% nhờ thu hút được các dự án lớn. Cục ĐTNN đánh giá: Kết quả thu hút đầu tư tám tháng năm 2020 tuy giảm sút so cùng kỳ, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Hiện vẫn có rất nhiều nhà ĐTNN quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Dù dịch bệnh tác động vô cùng nặng nề đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia song tám tháng qua, Việt Nam tiếp tục xuất siêu, chủ yếu có đóng góp từ khu vực có vốn ĐTNN.

Ưu đãi xứng tầm

Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, hình thành xu hướng rút vốn đầu tư quay trở về trong nước hoặc mở rộng đầu tư sang quốc gia khác có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với xu hướng phát triển mới. GS, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN phân tích: Cùng với Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a, Việt Nam đang nổi lên là một trong ba điểm đến thu hút làn sóng dịch chuyển vốn. Trước đây, Việt Nam có lợi thế ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp và bắt đầu được đánh giá cao về nguồn nhân lực có chất lượng thì nay được bổ sung thêm hai lợi thế mới làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư. Đó là được các tổ chức quốc tế hàng đầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là hình mẫu về ứng phó khủng hoảng trong tác động của dịch Covid-19 và khả năng cầm cự của DN Việt Nam rất tốt... Nhưng để đón được dòng vốn FDI dịch chuyển không dễ, vì các nước cạnh tranh trực tiếp là Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a đã kịp thời đề ra chiến lược rất rõ ràng với chính sách ưu đãi vượt trội để đạt mục tiêu thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia bằng mọi giá. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu từ chính sách đất đai, sẵn sàng quỹ đất “sạch”… đến nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí phải chăng. GS, TS Nguyễn Mại lưu ý: Đây là các dự án chuyển dịch đầu tư cho nên sẽ bao gồm cả việc chuyển theo các thiết bị đã qua sử dụng. Do đó, cần có cơ chế linh hoạt, nếu áp dụng Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cho các trường hợp này thì không NĐT nào muốn vào. Khâu đánh giá tiêu chuẩn thiết bị công nghệ nên thực hiện sau khi dự án đã xây dựng xong, nếu bảo đảm đáp ứng đúng các tiêu chuẩn của Việt Nam thì mới cho hoạt động. Về cơ bản, các nhà máy này cũng có sẵn đơn đặt hàng nên thủ tục đầu tư phải thực hiện nhanh chóng để họ sớm đi vào sản xuất, đáp ứng tiến độ hợp đồng của khách hàng.

Chiến lược của Việt Nam về ĐTNN trong thời gian tới sẽ ưu tiên thu hút có chọn lọc dòng vốn chất lượng, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu hợp tác đầu tư của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam chủ động tiếp cận và sẵn sàng hỗ trợ các tập đoàn lớn, các dự án ĐTNN phù hợp định hướng nêu trên nhằm triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi và có hiệu quả.

Theo Tô Hà/baonhandan.com.vn (https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/suc-hap-dan-cua-viet-nam-trong-hop-tac-dau-tu-nuoc-ngoai-617485/)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...