Cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ứng phó đại dịch COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 154/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19.
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội nước ta, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng đồng hành, chung sức, đồng lòng phối hợp chặt chẽ quyết liệt phòng chống dịch, đồng thời quyết tâm cao độ để vượt qua khó khăn trên các lĩnh vực do dịch bệnh gây ra, với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”, duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian có dịch và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau dịch, tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, các ngành và báo cáo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền, khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số địa phương, một số ngành trong thời gian vừa qua.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhất là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm thành lập các Ban chỉ đạo đủ thẩm quyền ở địa phương để kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và trong triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Đề cao tinh thần đổi mới sáng tạo, biến nguy cơ thành thời cơ.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương nghiên cứu, có ý kiến tham gia cụ thể đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Hội nghị, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/4/2020 để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó lưu ý bổ sung nội dung về bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước tác động của đại dịch COVID-19.

Khẩn trương xây dựng các kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội sau dịch

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan: Khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2020, trong đó xem xét kỹ lưỡng, có phương án điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tổng hợp, tiếp thu ý kiến tại Hội nghị và ý kiến tham gia bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/4/2020, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

Có kế hoạch tổ chức lại, kiểm tra, đôn đốc việc đẩy mạnh sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; tìm biện pháp đón nhận các dòng đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư xã hội; khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước. Có phương án để kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, nhất là mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá.

Có giải pháp cụ thể, thiết thực về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện khó khăn, chú ý giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tiết giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tận dụng tốt các cơ hội phục hồi nền kinh tế sau dịch.

Tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, có quy định cụ thể và chế tài đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công ở Bộ, ngành, địa phương mình; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Có kế hoạch, giải pháp cụ thể bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm…

Giữ vững và phát triển các quan hệ đối ngoại, có kế hoạch, phương án cụ thể, phù hợp thực thiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 và phát huy, củng cố vai trò của ta trên trường quốc tế. Trước hết đẩy mạnh xuất nhập khẩu, bảo đảm chuỗi cung ứng thiết bị vật tư cho sản xuất – kinh doanh.

Đổi mới và thực hiện hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tạo động lực, sự đồng thuận của hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn mới để vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời nỗ lực cao nhất thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thường xuyên kiểm tra các Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19 ở các địa phương và một số Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo baochinhphu.vn (http://baochinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Cap-bach-thao-go-kho-khan-san-xuat-kinh-doanh-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong-ung-pho-dai-dich-COVID19/392795.vgp)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...