Hoa Kỳ không có chủ trương tạm ngừng nhập khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam

Liên quan đến thông tin cho rằng "Chính phủ Hoa Kỳ đang áp dụng chính sách tạm thời ngừng nhập khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam", Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc khẳng định đây là thông tin không chính xác.

TTXVN dẫn lời Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã liên hệ, trao đổi với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ và chính thức được biết Chính phủ Hoa Kỳ không có chủ trương tạm thời ngừng nhập khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, thời gian qua, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển với những kết quả hợp tác tích cực. Chính phủ hai nước đã hợp tác rất chặt chẽ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ theo hướng cân bằng, bền vững.

Hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 77,6 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 15 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2020, trong khi xuất khẩu sang một số thị trường khác giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng, đạt 10,26 tỷ USD (tăng 25,7%).

Đối với ngành dệt may của Việt Nam, Hoa Kỳ là một thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng. Năm 2019, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 15 tỉ USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước. Hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt 2,25 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm gần 48% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Xuất khẩu giày dép các loại đạt 985 triệu USD (tăng 7,4%).

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID hiện nay trên phạm vi toàn cầu, việc sụt giảm các hoạt động thương mại, trong đó có lĩnh vực dệt may, là không thể tránh khỏi.

Tại Hoa Kỳ, để thực hiện chỉ đạo của chính phủ về phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp, trung tâm bán lẻ lớn như Macy, TJ Max, Walmart, Target, Nordstrom Rack… đã thông báo tạm thời đóng cửa hoặc giảm thời gian mở cửa hàng cho đến cuối tháng 3/2020. Kinh tế khó khăn hơn và nhu cầu mua sắm giảm của người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu các mặt hàng liên quan. Do đó, nếu tình hình dịch bệnh tại Hoa Kỳ kéo dài, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhất định.

Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, các doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh, một mặt tiếp tục cố gắng tận dụng mọi cơ hội để duy trì sản xuất và xuất khẩu sản phẩm. Mặt khác, cũng xem đây là cơ hội để các doanh nghiệp rà soát lại chiến lược sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào công nghệ, nhân lực để thích ứng với tình hình mới, mở rộng tiếp cận các đối tác, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Cùng chung tay với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức hiện nay.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng cần lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống các hình thức gian lận nguồn gốc xuất xứ, lẩn tránh thuế… để không vi phạm các quy định liên quan của hai nước, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.

Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ sẽ tiếp tục trao đổi với chính quyền sở tại đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu thị trường sẽ phục hồi trở lại và đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước, trong đó có Hoa Kỳ.

Chia sẻ về tình hình hợp tác hai nước trong phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, Đại sứ Hà Kim Ngọc  cho rằng hợp tác y tế Việt Nam-Hoa Kỳ nói chung và trong ứng phó với dịch COVID-19 hiện nay đang đạt nhiều kết quả tích cực.

Ngay từ cuối tháng 1/2020, các cơ quan và chuyên gia y tế hai nước đã có nhiều hình thức trao đổi thông tin, số liệu để cùng ứng phó với dịch bệnh. Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng đã thiết lập kênh trao đổi thường xuyên với Bộ Y tế và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh dịch (CDC) Hoa Kỳ.

Phía Hoa Kỳ đánh giá rất cao các nỗ lực phòng chống dịch quyết liệt, minh bạch và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. Vừa qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo, Quỹ dự trữ khẩn cấp phòng chống các bệnh lây nhiễm của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ trích khoản hỗ trợ trị giá 37 triệu USD để giúp các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam ứng phó với sự lây lan của dịch COVID-19.

Trên góc độ đa phương, phía Hoa Kỳ cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đang trao đổi với Việt Nam và các thành viên ASEAN khác nhằm đẩy mạnh hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ về y tế và trong phòng chống dịch COVID-19.

Hiện tại, phía Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc khả năng nhập khẩu một số vật tư và trang thiết bị y tế từ Việt Nam để phục vụ cho phòng chống dịch tại Hoa Kỳ. Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có đủ năng lực sản xuất để phục vụ công tác y tế trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng chống dịch. Đại sứ hy vọng điều này sẽ tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ./.

Theo baochinhphu.vn (http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Hoa-Ky-khong-co-chu-truong-tam-ngung-nhap-khau-san-pham-det-may-Viet-Nam/390515.vgp)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...